Nghề làm thầy, cô giáo

03:08, 19/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong xã hội, nghề nào cũng là nghề, cũng được tôn trọng. Nhưng hợp lẽ và theo đúng truyền thống, hợp với cả thông lệ quốc tế, thì nghề làm thầy, cô giáo phải là nghề được tôn trọng nhất. Tôn trọng từ tinh thần, và tôn trọng từ vật chất. Một số người nói rằng nghề giáo viên bây giờ thu nhập khá, giáo viên không đến nỗi đói khổ. Nói như thế là so sánh với thời... bao cấp, chứ không phải so sánh với những ngành nghề khác trong xã hội hiện tại.

TIN LIÊN QUAN


Có thể hiện tại, lương giáo viên không quá thấp, nhưng phải so mức lương đó với đời sống bây giờ, với những nhu cầu thiết yếu bây giờ, chứ không phải với những thời kỳ trước. Giáo viên bây giờ có thể thu nhập thêm bằng việc dạy thêm, nhưng việc này không được chính thức công nhận, nên có những giáo viên dù dạy thêm được nhiều tiền, nhưng bao giờ cũng có cảm giác là mình đang ngấp nghé với chuyện vi phạm pháp luật. Đó không hề là một cảm giác dễ chịu. Nhưng thử hỏi, bao nhiêu giáo viên trong tổng số giáo viên có thể dạy thêm, và có học trò tình nguyện nộp tiền để học thêm? Tỷ lệ ấy là rất thấp. Còn đa số giáo viên chỉ sống bằng lương, thì không thể nói cái “đa số thầm lặng” này có đời sống “khá” được. Họ phải rất vất vả để lo cho gia đình, nhất là lo cho con cái.

Đi học bây giờ đầu tiên phải nói là “tiền đâu ?”, vì không có gì là miễn phí trong giáo dục bây giờ cả. Dĩ nhiên, chuyện phải kiếm tiền cho con ăn học là chuyện cả xã hội phải lo, chứ không chỉ riêng thầy, cô giáo. Nhưng trong điều kiện lớp học thì quá tải (40-50 học sinh/lớp) như bây giờ, giờ lên lớp của giáo viên thì kín đặc trong tuần, chương trình chưa bao giờ được giảm tải, về nhà lại phải lo cho gia đình, trình độ giảng dạy lại có hạn, thì thật không thể đòi hỏi giáo viên ở mình phải dạy cho có “chuẩn chất lượng”. Học trong trường bây giờ, nói thật, là hoàn toàn không đủ cho học sinh. Vì vậy, bắt buộc học sinh phải học thêm, để nắm được kiến thức, để vượt qua các kỳ thi, nhất là kỳ thi lên lớp 10.

Ngay một môn học bây giờ trở nên rất quan trọng là môn ngoại ngữ (chủ yếu là Anh văn) thì học trong trường là hoàn toàn không đủ. Muốn có thể sử dụng tiếng Anh, muốn có trình độ, để dự các kỳ thi Anh văn chuẩn quốc tế, thì nhất thiết phải học thêm tại các trung tâm, chí ít cũng học thêm ở nhà thầy, cô giáo. Các trung tâm Anh văn bây giờ không thiếu, nhưng tiền học phí thì không hề rẻ. Nếu một nền giáo dục luôn có tư duy “bán kiến thức” từ nhỏ tới lớn, thì nền giáo dục ấy sẽ đi tới đâu, đi về đâu?

Bây giờ, nhiều lúc tôi tha thiết nhớ về nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà tôi từng được học, dù ngày đó phương pháp dạy ngoại ngữ còn rất lạc hậu, nhưng với các môn học khác, thì học sinh thời ấy học nói chung là tốt, và rất thoải mái. Đó là thời học sinh được tiếp thu kiến thức thật, thầy cô giáo giảng dạy nhiệt tình mà không phải vì tiền, dù mọi người thuở ấy đều rất nghèo. Dĩ nhiên, không thể “trở lại ngày xưa”, nhưng những gì là ưu việt của ngày xưa, thì rất cần phát huy trong ngày hôm nay. Vì giáo dục là một dòng chảy bất tận, và giáo dục là tuyệt đối cần thiết trong mọi thời.      

THANH THẢO
 


.