Hội thảo "Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo"

01:08, 08/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 8.8, tại Khu du lịch Sa Huỳnh (Đức Phổ), Tạp chí Người làm báo- Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội thảo báo chí khu vực miền Trung- Tây Nguyên với chủ đề “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo". Ủy viên TƯ Đảng- Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng đã đến dự buổi hội thảo. 

TIN LIÊN QUAN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi Hà Minh Đích nêu rõ, Hội thảo "Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo" diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây, tình trạng hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp tăng cao về số lượng và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, chủ đề của hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn  sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí hiện nay. Đây là hoạt động nghiệp vụ nhằm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của báo chí.
 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ phát biểu chào mừng hội thảo
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ phát biểu chào mừng hội thảo.
 
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ đánh giá cao việc Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi và Tạp chí Người làm báo tổ chức hội  thảo "Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo". Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các cấp, các ngành luôn đánh giá cao vai trò báo chí, luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều  kiện thuận lợi để báo chí và nhà báo hoàn thành trọng trách của mình.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ mong muốn, tại hội thảo này, sẽ có những phân tích, đánh giá khánh quan, toàn diện tình hình, đưa ra những giải pháp, kiến nghị với Trung ương nhằm xây dựng môi trường báo chí an toàn và lành mạnh, để báo chí có thể phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập.
 
Trình bày đề dẫn tại Hội thảo, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi nêu rõ, dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật, nhưng thời gian gần đây, không ít nhà báo đã và đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc chống tiêu cực.
 

 

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo

 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cản trở hành hung phóng viên, trong đó có một số vụ khá nghiêm trọng. Với tình trạng trên, những người làm báo làm báo có thể an tâm sử dụng ngòi bút của mình vào các mục tiêu truyền thông chính xác và trung thực hay hay không? Nhiều câu hỏi cấp thiết đang được đặt ra như: Ai bảo vệ nhà báo? Phải chăng các cơ quan hữu trách chưa làm hết trách nhiệm đối với những vụ việc nhà báo bị hành hung, bị cản trở tác nghiệp? Phóng viên cần làm gì khi bị cản trở, hành hung?....

 
Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi cho rằng, những vấn đề đó cần được trao đổi, thảo luận một cách  hệ thống, kỹ lưỡng và thẳng thắn, nhằm tìm ra giải pháp để có thể nâng cao đạo đức nghề nghiệp, làm rõ hơn một số vấn đề xung quanh hoạt động tác nghiệp tại điểm “nóng” của nhà báo, đồng thời nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực trách nhiệm của nhà báo, những người quản lý báo chí, các cấp hội và hội viên ở các cơ quan báo chí.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ làm báo trong việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, góp phần xây dựng quy trình tác nghiệp báo chí, quy tắc ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm tự do thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở hoạt động báo chí đúng pháp luật. 
 
 
Các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn nhận quà của Ban tổ chức
Các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn nhận quà của Ban tổ chức
 
 
Hội thảo cũng đã nhận được 30 tham luận của các nhà báo, nhà quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo các nhà khoa học. Các tham luận tập trung trao đổi, phân tích làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo; những vấn đề còn tồn tại của cơ chế, chính sách hạn chế vai trò, nhiệm vụ của báo chí, của nhà báo; các biện pháp để từng bước nâng cao nhận thức của xã hội cũng như hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng môi trường pháp lý, môi trường tác nghiệp an toàn cho nhà báo để báo chí- truyền thông ngày càng phát triển mạnh.
 
Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao 10 suất quà cho những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phổ Thạnh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ.
 
N. Đức

.