Chọn trường hay chọn nghề?

09:07, 22/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bây giờ là thời điểm căng thẳng của thí sinh tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia năm nay, khi họ phải chọn ngôi trường cho mình để gắn bó trong nhiều năm học.

TIN LIÊN QUAN


Năm nay, sẽ không còn chuyện cả học sinh (HS) và phụ huynh phải “chạy tháo mồ hôi”, để chọn trường như mấy năm trước, nhưng việc chọn trường cũng không hề dễ dàng. Có điều, cả HS và phụ huynh cần hết sức bình tĩnh khi chọn trường, thì sự hài lòng (dĩ nhiên là tương đối) sẽ tới. Trước hết, phải tùy vào số điểm thi của mình mà chọn trường.

Cái ấy, sâu xa hơn, là tùy vào năng lực học tập của mình mà chọn trường. Vào được một trường “hot” chưa chắc mình đã “hot”. Vào một trường bình thường, nhưng nếu ngành nghề mình theo học thích hợp với mình, mình thích thú với nó, thì kết quả học tập của mình chắc chắn sẽ tốt.

Cha mẹ nào cũng muốn con chọn được trường “xịn”, trường ở “tốp trên”, nhưng nếu điểm thi của con mình không đạt tới chuẩn vào những trường đó thì cũng đừng buồn. Rất nhiều người khi học đã ngồi ở những ngôi trường bình thường, nhưng do họ có đam mê và ngôi trường ấy tạo cho họ phát triển đam mê ấy, thì khi tốt nghiệp, khi làm việc, họ lại đạt tới những thành tựu mà rất nhiều HS học các trường “hot” không đạt được. Nhiều người chỉ học trong nước, không xuất ngoại học bên Tây bên Mỹ gì cả, nhưng năng lực làm việc của họ vẫn vượt trội, và họ vẫn có những sáng tạo khi làm việc, để đạt tới những kết quả tốt nhất.

Tôi có một người bạn thân thời học THPT. Do gia đình nghèo, anh phải làm việc nhà nhiều, nên kết quả học ở trường không cao. Anh không vào được đại học, mà đi bộ đội, vào chiến trường. Khi rời quân ngũ về hậu phương, anh vào làm công nhân một nhà máy. Anh học và hành nghề tiện, nhưng anh làm nghề giỏi tới mức đã nhiều lần được đi thi tay nghề ở các cuộc thi cấp quốc gia, và anh vinh dự đoạt giải “bàn tay vàng” trong nghề tiện công nghiệp.

Sau này, anh ra kinh doanh, tự khởi nghiệp và trở thành giám đốc một công ty tư nhân. Công ty làm ăn thuận lợi, anh có tiền cho con du học tận nước Áo, và con anh sau khi tốt nghiệp thạc sĩ đã ở lại làm việc tại quốc gia rất kén chọn người nhập cư này. Nói như thế để đừng quá quan trọng chuyện chọn trường. Dĩ nhiên, cũng không nên chọn những trường không dạy được một nghề nào cho “chín”.

Những năm trước, nhiều HS khi chọn trường đã ít chọn trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, vì chê trường này dạy “không thiết thực”. Trong khi đó, những trường tài chính hay ngân hàng thu hút người chọn rất nhiều. Nhưng sau nhiều năm, hóa ra, sinh viên tốt nghiệp trường khoa học xã hội và nhân văn lại xin được việc làm nhanh hơn và tốt hơn nhiều trường “hot” khác.

Đơn giản, vì các công ty vẫn rất cần người học “văn”, để làm... văn bản, làm báo cáo, làm các công việc dính dáng tới truyền thông, tới marketing, tới... thư ký giám đốc... Hóa ra, người học “văn” có thể làm được nhiều việc, họ khá “đa năng” và thích hợp với nhiều loại công việc ở các công ty.

Trong khi có những trường tạo được thương hiệu nhờ “điểm đầu vào” cao, tuy thí sinh cũng chưa biết mình học trường đó khi tốt nghiệp sẽ làm gì, nhưng vì bản thân thí sinh đạt điểm cao, học giỏi, nên khi ra trường họ vẫn phát huy được những tố chất ưu việt của mình và thành đạt. Như thế, người học và nghề học mới là quan trọng, chứ không phải cứ “trường hot” là quan trọng.
                

Thanh Thảo
 


.