Nhiều địa phương miền núi chưa làm tốt hỗ trợ sản xuất cho người dân

06:05, 31/05/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 31.5, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ chủ trì.
 
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong giai đoạn 2011-2016, tổng kinh phí thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở 6 huyện miền núi trong tỉnh là gần 400 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các huyện miền núi đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
 
Qua đó, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có điều kiện kinh tế khó khăn được tiếp cận và hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước; người dân đã từng bước thay đổi thói quen, tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng sinh kế, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.
 
Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp
Tuy nhiên, phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường cho rằng, trong những năm qua, các nguồn vốn đầu tư của nhà nước trên địa bàn các huyện miền núi là rất lớn, tuy nhiên kết quả mang lại là rất thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa các huyện đồng bằng và các huyện miền núi vẫn còn rất cao.
 
Nguyên nhân các địa phương chưa xây dựng kế hoạch định hướng phát triển sản xuất; chưa xác định chưa đúng đối tượng, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tình hình thực tế địa phương; lấy ý kiến của người dân sơ sài dẫn đến đưa cây, con giống xuống không phù hợp; phương thức phân vốn hỗ trợ cây con giống phân tán, nhỏ lẻ. Việc mua cây, con giống để cung cấp cho dân không đúng thời vụ, gặp thời tiết bất lợi dẫn đến chưa nuôi trồng thì đã bị chết gây lãng phí và thất thoát lớn. Bên cạnh đó, không ít trường hợp vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, không tự lực vươn lên thoát nghèo.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đề nghị trong thời gian đến, các địa phương cần rút kinh nghiệm để triển khai một cách có hiệu quả. Phải cương quyết loại bỏ tư tưởng người dân không muốn thoát nghèo. Trong quá trình xét chọn đối tượng thụ hưởng cần nghiên cứu cụ thể, đúng đối tượng, hỗ trợ cây phải có đất, con nuôi phải có chuồng và phải có lao động. Hằng năm, phải đánh giá lại số hộ được hỗ trợ có bao nhiêu người thoát nghèo. Trường hợp vốn về chậm, quá thời vụ thì không được hỗ trợ mà phải chuyển vốn sang năm sau, tránh thất thoát ngân sách của Nhà nước. 
 
Tin, ảnh: PV

.