Rác dược liệu

01:04, 20/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng. Thông tin trên được Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế công bố sau khi kiểm nghiệm 227 mẫu dược liệu trong cả nước. Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh cũng công bố, chỉ có 3/84 mẫu thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) đạt tiêu chuẩn về hàm lượng hoạt chất; số còn lại chỉ thấy vết, thậm chí không tìm thấy hoạt chất.

Mỗi năm cả nước tiêu thụ từ 60-70 nghìn tấn dược liệu. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng 10%, còn 90% được nhập khẩu từ Trung Quốc. Vấn đề là, có tới hơn 90% dược liệu đang lưu hành trên thị trường được nhập lậu, không thể kiểm soát chất lượng. Ngoài nhu cầu thị trường, nguồn dược liệu được nhập khẩu lớn, vì thủ tục quá đơn giản.

Doanh nghiệp (DN) không phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ cần có đơn hàng và giấy tờ thông quan. Sự “dễ dãi” này đã tạo điều kiện để một số DN sản xuất thuốc, TPCN trục lợi bằng cách nhập khẩu dược liệu kém chất lượng. Thậm chí, nhiều loại dược liệu đã bị tách chiết hết các hoạt chất, chỉ còn bã, nhưng vẫn được DN nhập khẩu về sản xuất trong nước.

Kết quả kiểm nghiệm của Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh về hàm lượng hoạt chất trong nhiều mẫu cam thảo lẽ ra phải đạt 6%, nhưng thực tế là 1%. Còn hàm lượng saponin, một loại hoạt chất quyết định chất lượng củ sâm thì chỉ xuất hiện ở dạng... vết! Trong khi đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng công bố, một số dược liệu nhập khẩu như hoàng kỳ, nhân sâm... đã được tách chiết hết hoạt chất, nên không còn tác dụng dược lý.

Thực trạng này, phía đơn vị quản lý là Bộ Y tế cho rằng, việc kiểm nghiệm dược liệu gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như linh chi, củ sâm dưới 10 tuổi thường giống nhau về hình dáng, kích thước. Thậm chí, khi bị chiết 1/3 hoạt chất cũng không có sự khác biệt. Hơn nữa, quy định hiện hành chỉ yêu cầu kiểm tra định tính các hoạt chất mà nhà sản xuất công bố, chứ không định lượng cụ thể. Vì lẽ ấy, người tiêu dùng cũng chỉ biết đặt niềm tin vào nhà sản xuất. Nhưng với hơn 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng, nhiều người tiêu dùng trong nước đã tốn tiền để mua và sử dụng “rác dược liệu”, thay vì dược liệu.

Chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Y tế ban hành Thông tư 03 để quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu. Ngoài việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ, DN nhập khẩu dược liệu phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh, bảo quản dược liệu... Ngoài ra, dược liệu được nhập khẩu phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cho phép và có phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất.

Dù đã có hàng rào kỹ thuật, nhưng nếu các cơ quan chức năng không siết chặt công tác quản lý, thì dược liệu “dỏm” vẫn tung hoành. Nhất là hiện nay, thị trường sản xuất và tiêu thụ TPCN có nguồn gốc dược liệu đang bùng nổ. Đây được xem là cơ hội để các DN trục lợi, nhập khẩu dược liệu kém chất lượng về sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường dược liệu và sức khỏe người tiêu dùng trong nước.                
                    

THANH PHONG
 


.