Nhà giáo dục hay công chức truyền đạt?

09:04, 27/04/2017
.

THANH THẢO


(Baoquangngai.vn)- Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPTTT) tuy chưa chính thức triển khai tại Việt Nam, nhưng đã tạo nên những diễn đàn bàn luận sôi nổi.

TIN LIÊN QUAN


Có một điều khiến nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, là CTGDPTTT làm sao đến được với giáo viên đúng với tinh thần của nó, nghĩa là đặt giáo viên ở đúng vị trí của một nhà giáo dục, chứ không đơn thuần chỉ là công chức truyền đạt?

Bao lâu nay, ở trường phổ thông chỉ quen dạy theo phương thức truyền đạt kiến thức, mà giáo viên là chủ thể truyền đạt, học sinh là khách thể tiếp nhận, còn giữa họ không hề thiết lập một đường dây trao đổi hay phản biện nào cả.

Nếu có học sinh nào hay hỏi, hay thắc mắc, hay “nói ngược” thì học sinh ấy dễ bị giáo viên “không thích”. Từ chỗ không thích tới chỗ không có thiện cảm chỉ là một bước ngắn. Có lẽ vì vậy mà bản thân học sinh cũng ngại trao đổi, nhất là ngại phản biện lại với giáo viên. Cách dạy và học thụ động như vậy lâu ngày thành quen, thành nếp, và mặc nhiên được tiếp nhận như một mô thức không thay đổi.

Muốn cải cách giáo dục thì nhất thiết phải thay đổi mô thức trao truyền và tiếp nhận thụ động ấy. Nhưng câu chuyện xem ra chẳng dễ dàng. Để giáo viên thành một “nhà giáo dục”, nghĩa là người chịu trách nhiệm về sự phát triển không chỉ kiến thức mà cả tinh thần và bản lĩnh của học sinh, thì yêu cầu đối với giáo viên là lớn, và sâu sắc.

Giáo viên như một nhà giáo dục nghĩa là giáo viên phải hướng đạo, dắt dẫn và theo dõi sự phát triển của học sinh không chỉ trong lớp học, không chỉ đóng khung trong bài học. Trong khi đó, quy định “Chương trình là pháp lệnh” khiến giáo viên rất ngại ngần, không dám đi ra ngoài chương trình, không dám nói những điều mình thực sự nghĩ, thực sự tâm huyết. Giáo viên không còn là bạn của học sinh, mà đơn giản, chỉ như một công chức giảng dạy, làm xong phần việc truyền đạt của mình là hết trách nhiệm.

Dạy và học như thế mang lại không phải sự hứng khởi, mà là sự chán ngán, bó buộc cho học sinh. Bây giờ, CTGDPTTT muốn phá bỏ cách dạy cũ kỹ và cách học thụ động ấy, nhưng phá bỏ như thế nào? Đó là điều nhiều chuyên gia chưa thấy rõ ở chương trình này. Khi chủ thể là học sinh, thì giáo viên là gì? Phải nói rõ, phải tôn vinh giáo viên chính là nhà giáo dục, nhưng muốn như thế, phải trao cho giáo viên những quyền hạn của một nhà giáo dục.

Không phải quyền bắt phạt học sinh, mà là quyền dắt dẫn học sinh đúng như sự tôn trọng của truyền thống dân tộc đối với người thầy là “tôn sư, trọng đạo”. Đạo ở đây là đạo làm người, còn “sư” thì hẳn phải là nhà giáo dục, người dẫn dắt học sinh đi vào “chính đạo”. Thậm chí, ở đỉnh cao, giáo viên phải là nhà tư tưởng, người luôn có chính kiến, người khơi gợi ở học sinh tinh thần phản biện, tinh thần chủ động và sáng tạo trong học tập.

Đã từng có những người thầy như thế trong lịch sử dân tộc, những người đã làm vẻ vang cho nền giáo dục Việt Nam. Nếu chúng ta chịu khó ngược về lịch sử, sẽ không khó để tìm những tấm gương về những người thầy như vậy, những người xác định với chúng ta thế nào là một “nhà giáo dục” chân chính.

Nhưng, nói đi thì phải nói lại. Khi mà các trường đại học hay cao đẳng sư phạm hiện tại không đào tạo được những người thầy người cô như vậy, thì việc đòi hỏi giáo viên phải là nhà giáo dục e rằng hơi vội vã. Giáo dục Việt Nam vẫn bị “mắc” bị “nghẽn” và quẩn quanh như vậy từ lâu rồi và thật khó để một sớm một chiều tháo gỡ một cách dễ dàng được./.      


.