Chức danh và thực chất

04:04, 11/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đang có những tranh cãi khá sôi nổi trong giới khoa học và giáo dục về tiêu chuẩn để được phong các chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) từ năm 2019. Đây quả thật không phải chuyện quan tâm rộng rãi trong xã hội, nhưng từ bao lâu nay, xã hội đã phải chứng kiến, thậm chí phải gặp gỡ khá nhiều người có những chức danh này mà xã hội cảm thấy “không phù hợp”.

Tôi tâm đắc với nhận định của GS Nguyễn Tiến Khiêm - nguyên Viện trưởng Viện Cơ học Việt Nam. Theo GS Khiêm, không nên “thần thánh hóa” các chức danh PGS, GS - điều mà ở các nước tiên tiến người ta cho đó là việc bình thường của các trường. Chức danh GS là dành cho các thầy giáo, chứ không phải cho các nhà khoa học. Không nên hạ thấp tiêu chuẩn giảng dạy và nâng quá cao tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học”.

Thì ra, vấn đề là ở quan niệm. Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, người ta coi chuyện phong chức danh GS hay PGS là chuyện của từng trường đại học. Nếu trường đại học nào càng danh tiếng, thì việc được giảng dạy hay nghiên cứu tại đó và được phong chức danh GS hay PGS tại đó là một vinh dự lớn và có ý nghĩa cao hơn so với những trường còn “thấp” khác. Nghĩa là chức danh GS hay PGS không hề là một “chuẩn” ngang nhau, hoặc không có những xê xích khác nhau, tùy từng trường đại học.

Nhưng ở ta thì chức danh GS hay PGS là do các Hội đồng chức danh Nhà nước xét phong, nên nó gần như có một “chuẩn” chung, dù trong thực tế, thì “mỗi người là một người”, nên “mỗi GS cũng là một GS” không thể hoàn toàn ngang nhau cùng một “chuẩn”. Có những người tài giỏi hơn, dù ở bất cứ lĩnh vực nào và cũng có những người ít tài giỏi hơn. Thậm chí, có những người không xứng đáng, nhưng vẫn được phong. Như ở Bộ Xây dựng, vừa rồi người ta phát hiện ra một... lái xe được bổ nhiệm làm... Viện phó một viện của Bộ và kiêm luôn chức danh Chủ tịch hội đồng khoa học của Viện này!

Bây giờ, đang dự thảo quy định, từ năm 2019, muốn là GS hay PGS thì bắt buộc phải có bao nhiêu bài báo công bố quốc tế (theo chuẩn) ISI, Scopus. Nhưng, theo một thông báo chính thức, thì năm 2016 đã khảo sát thống kê số lượng các công bố quốc tế ISI, Scopus của 28 hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành. Kết quả chỉ có khoảng 40% tân GS, PGS có công bố quốc tế trên các tạp chí ISI. Đặc biệt, dù 703 tân GS, PGS có đến hơn 24.000 bài báo khoa học, thì trong đó số bài báo ISI, Scopus chiếm chưa đến 10%. Dĩ nhiên, không thể chia đều 2.400 bài báo (10%) công bố quốc tế ấy cho 703 tân GS, PGS, vì có những người có rất nhiều bài báo, có những người thì rất ít bài báo, thậm chí có những người... chẳng có bài báo nào.

Trong khi đó, cũng theo thông báo, thì có đến gần một nửa bài báo ISI, Scopus theo thống kê nói trên là thuộc về hội đồng ngành vật lý và hóa học - công nghệ thực phẩm, hơn 50% bài báo quốc tế còn lại được chia cho 26 hội đồng ngành. Cá biệt có 6 hội đồng ngành hoàn toàn vắng bóng bài báo quốc tế, dù số lượng tân GS, tân PGS được công nhận năm 2016 của các ngành này lên đến 120 người!

Cứ công khai minh bạch như thế mới thấy hóa ra, cũng có những vấn đề nan giải trong một hoạt động xưa nay vẫn diễn ra bình thường như chuyện phong chức danh GS, PGS.

Thanh Thảo
 


.