Chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh khóa XII
"Nóng" về bất cập trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản

02:04, 26/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tình trạng khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác cát, sạn trái phép diễn ra phức tạp. Trong khi đó, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa đồng bộ. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đây là chủ đề "nóng" được các đại biểu HĐND tỉnh đặt nhiều câu hỏi trong phiên chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra vào sáng 26.4.
 
 
Tham dự hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang; Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Lê Quang Thích; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh.
 
Quang cảnh phiên chất vấn của HĐND tỉnh
Quang cảnh phiên chất vấn của HĐND tỉnh
 
Mở đầu phiên chất vấn, đã có 11 đại biểu nêu 15 ý kiến xoay quanh những tồn tại trong công tác quản lý khoáng sản, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Tôn Long Hiếu nêu rõ, một số địa phương vẫn khai thác như Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi, Minh Long. Tình trạng này diễn ra thời gian dài nhưng chưa được giải quyết. 
 
Vấn nạn này cũng đang phá hủy môi trường, vừa gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước từ khai thác khoáng sản. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát của người dân rất cao. Vậy Sở TN-MT có giải pháp gì để quản lý việc khai thác khoáng sản, vừa tạo sự hài hòa giữa nhu cầu của người dân với việc không để thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
 
Đại biểu Tô Long Hiếu 
Đại biểu Tôn Long Hiếu 

Trả lời câu hỏi chất vấn, ông Đỗ Minh Hải- Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, công tác quản lý khoáng sản trong thời gian qua tuy đã tích cực nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép. Một phần là do nhân lực của ngành còn quá mỏng, chưa thể kiểm soát hết tình trạng khai thác ở tất cả các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Một phần khác là do UBND cấp xã, huyện, thành phố dù có trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhưng còn lơi lỏng.

Vừa qua, Sở TN-MT đã đi kiểm tra thực tế tình trạng khai thác cát, sạn ở huyện miền núi Minh Long và xác nhận có diễn ra tình trạng công khai khai thác không phép, gây ra nhiều bức xúc của người dân. Sắp tới, Sở TN-MT sẽ quyết liệt trong việc xử lý các sai phạm và yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, UBND các cấp trong khai thác khoáng sản.

Giám đốc Sở TN-MT Đỗ Minh Hải trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường
Giám đốc Sở TN-MT Đỗ Minh Hải trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường

Liên quan đến vấn đề đất đai và môi trường, các đại biểu cũng đặt câu hỏi chất vấn về việc tính toán giá trị tài sản gắn liền với đất khi thu hồi để thực hiện dự án. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhiều cụm công nghiệp và bãi rác Nghĩa Kỳ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Kết luận vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân lưu ý một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường. Trong đó, nhấn mạnh đến việc nêu rõ trách nhiệm của UBND huyện, thành phố và cấp xã trong việc phối hợp với ngành chức năng quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
 
Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để đề ra giải pháp căn cơ, lâu dài, nhằm tránh thất thoát nguồn thu từ khoáng sản. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ các KCN, KKT, tỉnh đang kêu gọi đầu tư các dự án với sự cân nhắc hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
 
Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đưa ra nhiều câu hỏi chất vấn đối với nhóm vấn đề về lĩnh vực bảo hiểm xã hội và nhóm vấn đề về quy hoạch xây dựng chợ nông thôn, miền núi và di dời các lò gạch thủ công.
 
Tính đến ngày 31.12.2016, Quảng Ngãi có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 619 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền 62,7 tỷ đồng. Thậm chí, có 4 doanh nghiệp nợ từ 1-5 tỷ đồng. Vậy giải pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài là gì?
 
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Lương Kim Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, trong thời gian tới hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc đối với công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt pháp luật về BHXH. Các cơ quan có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý doanh nghiệp.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Văn Nam - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết thêm, đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT. Phân công cán bộ chuyên quản thu bám sát các đơn vị, doanh nghiệp.
 
Về vấn đề hiệu quả đầu tư chợ nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 147 chợ đang hoạt động và trong quy hoạch mạng lưới chợ, trong đó có 128 chợ ở địa bàn nông thôn, chiếm 87%. Giai đoạn 2011-2016, có 46 chợ được đầu tư xây mới và nâng cấp với tổng vốn đầu tư khoảng 421 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều chợ hoạt động không hiệu quả, tiểu thương không vào buôn bán trong chợ mà phát sinh các chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lề đường. Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, liệu khi xây dựng có tham khảo ý kiến của nhân dân hay không?
 
Giám đốc Sở Công Thương Trần Phước Hiền trả lời câu hỏi chất vấn đề hiệu quả hoạt động các chợ nông thôn
Giám đốc Sở Công Thương Trần Phước Hiền trả lời câu hỏi chất vấn về hiệu quả hoạt động các chợ nông thôn.

Ông Trần Phước Hiền- Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận có một số chợ đầu tư không hiệu quả, không có tiểu thương vào kinh doanh, mua bán. Nguyên nhân là việc đầu tư xây dựng chợ nông thôn, các địa phương tự bố trí và huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, không tổ chức lấy ý kiến của Sở Công Thương và các cơ quan liên quan lẫn người dân.

Đồng thời, việc thiết kế chợ để đầu tư xây dựng hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, nhất là ở khu vực miền núi. Sắp tới, 16 chợ không hiệu quả sẽ được di dời sau khi tham khảo ý kiến của người dân và ngành chức năng. Sở Công Thương đã có giải pháp bằng cách xây dựng quy chế hướng dẫn thực hiện xây dựng chợ theo tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Liên quan đến việc xóa bỏ lò gạch thủ công, Sở Xây dựng cũng đang thực hiện theo lộ trình đến năm 2018 sẽ xóa bỏ 50% trong tổng số 266 lò gạch đang tồn tại. Đến năm 2020, sẽ xóa bỏ hoàn toàn cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại các lò gạch khi chuyển đổi ngành nghề.
 
Phát biểu tại phiên chất vấn, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh. Các mặt tồn tại, hạn chế sẽ được UBND tỉnh giải quyết trong thời gian tới với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ.
 
Phó Chủ tịch Đặng Văn Minh nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh của người dân cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường hay nợ bảo hiểm xã hội sẽ được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời.
 
Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đánh giá phiên chất vấn thành công với những câu trả lời đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi. Các nhóm vấn đề đưa ra tại phiên chất vấn lần này đều là những vấn đề nổi cộm cần được giải quyết nhanh chóng.
 
Qua đó, các ý kiến của đại biểu đã giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc, đồng thời giúp các sở, ngành củng cố các giải pháp để xử lý những tồn tại trong công tác quản lý. Từ đó, có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.
 
M.Toàn- T.Phương

.