Xây đường bộ ven biển: Không để tiền đến đâu, tư duy đến đó

10:03, 29/03/2017
.

Nếu vẫn cứ làm theo lối mòn cũ, tiền đến đâu tư duy phát triển đến đó là rất nguy hiểm. Dù mỗi tỉnh có nhu cầu khác nhau, nhưng cần một cái nhìn toàn cục, toàn diện, toàn tuyến đường thì sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn là chỉ nghĩ đến lợi ích của từng địa phương.
 
Có đường, tiềm năng sẽ không chỉ là tiềm năng
 
Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại một cuộc họp khá đặc biệt vào ngày 28/3 tại trụ sở của Bộ này. Đặc biệt ở chỗ có sự góp mặt của 3 vị Bộ trưởng KH&ĐT, Giao thông vận tải (GTVT), Xây dựng và Bí thư, Chủ tịch của cả 6 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa) để bàn về việc triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa.
 
Sau khi nghe các đại biểu tham luận về thực trạng, nhu cầu, đánh giá tác động của tuyến đường tới sự phát triển của vùng cũng như từng địa phương, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giữa các tỉnh trong vùng. Một điều rất dễ nhận ra là, 6 tỉnh, thành phố đều là các địa phương năng động, rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhưng chưa kết nối được với nhau. Nếu không có tuyến đường này thì tiềm năng ở các khu vực ven biển của các địa phương vẫn mãi chỉ là tiềm năng mà không thể khai thác được.

 

 

Mặt khác, theo ông Dũng, tuyến đường sẽ là chất xúc tác quan trọng để phát huy hiệu quả nhưng công trình hạ tầng lớn, cửa ngõ của đất nước như Cảng Lạch Huyện, Sân bay Cát Bi của Hải Phòng, các khu du lịch lớn của quốc gia như Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà…

 
Tuy nhiên, dù đã có chủ trương đầu tư từ lâu nhưng chưa triển khai đồng bộ được. Một số đoạn đã được làm, một số đoạn trùng với quy hoạch đường cao tốc, và nhất là khả năng đấu nối giữa các tuyến của từng địa phương gặp nhiều khó khăn. Do đó, theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, cuộc họp với sự thống nhất cao giữa các địa phương cùng với hai Bộ GTVT, Xây dựng về hướng, tuyến cũng như thiết kế của từng tuyến đường phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, cùng với sự điều phối hiệu quả của vai trò điều phối vùng của Bộ KH&ĐT là vô cùng cần thiết.
 
Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT đã nhận được kế hoạch đầu tư của cả 6 tỉnh, nhưng mỗi tỉnh lại có những đề xuất khác nhau về quy mô, hướng tuyến, cơ chế cũng như nguồn vốn thực hiện. Trong khi đó, phải thống nhất được hướng tuyến, quy mô và quan trọng là đấu nối được với nhau, đồng bộ với nhau thì mới phát huy được hiệu quả.
 
Các đại biểu tham dự đồng tình cho rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử của toàn vùng và của cả nước, bởi các bộ, địa phương đã ngồi lại với nhau, đồng tâm hiệp lực để xây dựng một tuyến đường đã có chủ trường từ lâu mà chưa thực hiện được một cách đồng bộ.
 
Không để “tiền đến đâu tư duy phát triển đến đó”
 
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam. Và tới tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố nêu trên phải phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lập, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với các đoạn tuyến trên địa bàn, phối hợp với Bộ KH&ĐT đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Ngoài ra, vào tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
 
Tuy nhiên, khi đề xuất kế hoạch xây dựng các đoạn tuyến sau hai quy hoạch này, do nguồn lực có hạn nên mỗi địa phương lại có những lựa chọn cho riêng mình. Có địa phương muốn phát triển đường cao tốc trước trong khi lại có địa phương muốn tập trung nhiều cho tuyến đường bộ ven biển để khai thác tiềm năng địa phương. Vì vậy, các địa phương khá lúng túng trong việc đầu tư tuyến đường nào cũng như kế hoạch đấu nối.
 
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, không thể chỉ dựa vào nguồn lực hiện tại để thiết kế hệ thống giao thông, mà phải nghĩ rộng hơn đến toàn vùng, đến cả nước, về một không gian phát triển mới để bố trí hạ tầng. Việc đấu nối liên kết tại các cửa sông chưa có nguồn lực thì tạm dừng, nhưng về lâu dài phải làm ngay.
 
“Nếu vẫn cứ làm theo lối mòn cũ, tiền đến đâu tư duy phát triển đến đó là rất nguy hiểm. Chúng ta phải có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn. Đúng là mỗi tỉnh đều có nhu cầu khác nhau, nhưng mà chúng ta phải có cái nhìn toàn cục, toàn diện, toàn tuyến đường, thì sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn là chỉ nghĩ đến lợi ích của từng địa phương”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
 
Theo mục tiêu đề ra, tuyến đường này sẽ được hoàn thành trước năm 2020, để thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.
 
(theo Báo Đầu tư)

.