Nguyên liệu và chế biến

05:03, 30/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hôm rồi vào TP.Hồ Chí Minh, tôi phải đi tìm một cửa hàng bán tạp hóa Nhật Bản để mua… mấy đôi đũa ăn. Đũa ăn làm bằng gỗ, có “sơn son thiếp vàng” hay gì đó trông rất bắt mắt. Nhưng không chỉ hình thức, đũa ăn Nhật làm bằng gỗ “lành”, không độc hại, sơn đũa cũng bằng loại sơn không độc, nên người tiêu dùng Việt Nam hiện đang rất tín nhiệm.

Nhưng rồi nghĩ lại: Tới đôi đũa cũng phải mua hàng nhập khẩu, thế thì đũa truyền thống của Việt Nam ở đâu?

Đũa truyền thống của Việt Nam vẫn rất sẵn, có thể làm bằng tre, có thể làm bằng gỗ, làm cả bằng thân cây dừa (gọi là đũa dừa Bến Tre)... Nhưng vì sao, đũa tre thì mau mốc, đũa gỗ thì thô vụng, còn đũa dừa có khá hơn, nhưng cũng không thể dùng lâu, vì có dấu hiệu biến chất. Nguyên liệu làm đũa ăn ở Việt Nam không thiếu, kỹ thuật làm đũa cũng không quá khó, máy móc làm đũa thì rất sẵn, nhưng vì sao đôi đũa Việt Nam vẫn không xứng tầm với “Cây tre Việt Nam” đã từng nổi tiếng thế giới từ bao lâu nay?

Khi người tiêu dùng Việt Nam phải mua đũa Nhật về ăn, thì ta phải khiêm tốn để nhận thấy đôi đũa Nhật ấy có gì ưu việt, ít nhất là hơn đũa Việt Nam? Tôi cứ ngồi săm soi đôi đũa Nhật, và tôi thấy nó cũng không có gì quá đặc biệt, ít nhất là từ hình thức, dù giá bán một đôi đũa như thế là 40 nghìn đồng.

Với giá tiền ấy, có thể mua mười đôi đũa Việt Nam “chất lượng cao”. Người Nhật họ xuất khẩu biết bao sản phẩm cao giá, vậy mà họ vẫn sản xuất và xuất khẩu... đũa ăn. Mà xuất sang Việt Nam, là nước có rất sẵn nguyên liệu để làm mặt hàng không hề quá khó này.

Những rặng tre ở quê Quảng Ngãi mình ngày càng teo tóp lại, nhường chỗ cho đất dự án, đất “địa ốc”. Nhưng Quảng Ngãi vẫn còn tre, còn các loại gỗ nhẹ có thể dùng sản xuất đũa. Thế nhưng, chúng ta vẫn không sản xuất được những đôi đũa đạt “chuẩn quốc tế”. Mà không chỉ Quảng Ngãi, cả nước vẫn chưa có “thương hiệu đũa ăn” nào đạt chuẩn quốc tế. Vì thế, đã không xuất khẩu được, chúng ta còn phải nhập khẩu đũa ăn về dùng. Đó là điều rất đáng buồn.

Từ nguyên liệu tới thành phẩm là cả một quá trình, trong đó phần tham gia của chất xám, của sáng tạo là rất lớn. Chúng ta có nguyên liệu, nhưng thiếu chất xám, thiếu sáng tạo, nên vẫn chưa có được những sản phẩm ngang tầm quốc tế, dù là một sản phẩm bình dị như đôi đũa ăn. Cũng như thế, chúng ta có rất nhiều tiến sĩ, nhưng nhiều phát minh sáng chế lại đến từ... nông dân, thậm chí từ những người nông dân rất ít học. Sao vậy nhỉ? Cái cách dạy học lý thuyết suông của chúng ta, cái cách chạy theo bằng cấp rất dễ dãi của chúng ta đã đưa tới thực trạng này.   

Thanh Thảo
 


.