Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, khóa XII
Thảo luận và thống nhất trình HĐND ban hành các Nghị quyết quan trọng

03:03, 28/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Như tin đã đưa, sáng 28.3, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2016-2020) đã tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 5 (bất thường). Trong buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết quan trọng.
 
 
Các đại biểu đã nghe tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 06/2016/NQ -HĐND ngày 15.7.2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án Phát triển giao thông nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 -2020.
 
Theo đó, nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết sửa đổi là: Đến năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 98 xã đạt tiêu chí giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia và nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này thì trong giai đoạn 2016 -2020, tỉnh Quảng Ngãi cần phải đầu tư hoàn thiện ít nhất 1.945 km đường giao thông nông thôn, với tổng nguồn vốn ước tính khoảng hơn 1.800 tỷ đồng. 
 
Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn không chỉ tạo điều kiện đi lại, phát triển KT-XH cho các địa phương mà còn là điều kiện để các xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
 
Đại biểu tham gia thảo luận
Đại biểu tham gia thảo luận
 
Thời gian qua, nhiều địa phương đã làm tốt công tác huy động sức dân trong việc xây dựng giao thông nông thôn, tuy nhiên tùy theo mỗi vùng, mỗi địa phương mà tăng mức hỗ trợ của nhà nước cũng như mức huy động trong dân. 
 
Ông Nguyễn Tăng Bính-Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi, cho rằng việc cân đối nguồn vốn cho cấp xã là 20%, tương đương với 212 tỷ đồng để thực hiện tiêu chí giao thông trong giai đoạn 2016 -2020 là không khả thi. Bởi lẽ, nguồn thu và khả năng huy động kinh phí ở cấp xã rất khó khăn. 
 
Như ở thành phố Quảng Ngãi thì hàng năm phải cân đối ngân sách cho một số xã để triển khai xây dựng giao thông nông thôn, bởi kinh phí của địa phương không có, mà huy động trong dân nhiều thì càng khó hơn. Cho nên, ở thành phố Quảng Ngãi, trên cơ sở Nghị quyết của tỉnh thì thành phố ra một Nghị quyết tăng mức đối với các xã nông thôn mới thì ngân sách của tỉnh và thành phố là 90%, còn lại xã 10%. Còn một số xã thì tỉnh và thành phố 80% và xã là 20%.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Minh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là để người dân được hưởng lợi. Do đó, người dân cần phải có trách nhiệm đóng góp. Còn đóng góp bao nhiêu, đóng góp ở mức nào tùy theo từng xã thì HĐND các huyện cần phải làm rõ cái này, trên cơ sở quy định từ Nghị quyết HĐND tỉnh. 
 
Vì vậy, cần ưu tiên nguồn lực cho 98 xã có khả năng đạt chuẩn nông thôn mới để tập trung thực hiện, chứ không thể phân bổ đều  cho tất cả các xã.
 
Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh kỳ họp
 
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho rằng: Việc sửa đổi một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 06/2016/NQ -HĐND ngày 15.7.2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án Phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2016 -2020 thực chất là nâng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới từ 78 xã lên 98 xã. Vấn đề còn lại là cần phân bổ tỷ lệ nguồn vốn một cách hợp lý để tập trung triển khai thực hiện đạt kết quả.
 
Sau khi thảo luận, Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, khóa XII (nhiệm kỳ 2016 -2021) đã thống nhất trình HĐND tỉnh ban hành Đề án Phát triển giao thông nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 -2020.
 
Kỳ họp cũng đã thảo luận và thống nhất trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 -2020. Quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh muối sạch tại vùng muối sa huỳnh giai đoạn 2017-2020...
 
Theo đó, tiêu chí phân bố vốn gồm 4 nhóm sau đây: tiêu chí dân tộc và dân tộc thiểu số; tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và quy mô hộ nghèo; tiêu chí diện tích đất tự nhiên; tiêu chí về đơn vị hành chính. Các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã An toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài....
 
Kỳ họp cũng xem xét, thảo luận về quy định chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh muối sạch tại vùng muối Sa Huỳnh giai đoạn 2017-2020. Theo đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 58, Diêm dân trong thời gian ngừng sản xuất khi dồn điền đổi thửa được hỗ trợ 15 kg gạo/1 nhân khẩu/tháng. Ngoài ra còn được hỗ trợ kinh phí thuê nhân công dỡ dọn, vận chuyển đến bãi thải vật liệu của nền ô kết tinh đã được đầu tư bằng bạt PE hoặc xi măng. Hỗ trợ kinh phí cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mức 100% kinh phí. Hỗ trợ kinh phí chỉnh trang lại đồng muối với mức không quá 10 triệu đồng/ha. Hỗ trợ kinh phí cho diêm dân áp dụng phương pháp sản xuất muối sạch trên nền vật liệu mới...
 
Đối với nội dung này, sau khi thảo luận, HĐND tỉnh đã đi đến thống nhất đề nghị UBND tỉnh hoàn chỉnh, bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung và trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp giữa năm 2017.
 
M.Toàn
 
 
 
 

.