Cây phong trào, con phong trào

09:03, 04/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Phong trào” không phải tên của một loài vật hoặc giống cây trồng nào cả. Nó được sử dụng để chỉ tình trạng “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” hiện nay ở một số vùng nông thôn. Còn nhớ cách nay chừng một năm, báo đài đưa tin khá xôm về tình hình nuôi cá bớp “lãi to” ở huyện đảo Lý Sơn.

TIN LIÊN QUAN


Nhiều gia đình đã không ngần ngại mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng đầu tư lồng bè, con giống để nuôi cá bớp. Thế rồi điều gì đến, tất sẽ đến. Mới qua Tết âm lịch, giá cá bớp lao đốc, đó là chưa kể do mạng lưới lồng bè quá dày, thiếu khoa học, nên tình trạng dịch bệnh đã xảy ra, chắc chắn sẽ có nhiều gia đình trắng tay với con cá “phong trào” này.

Cũng giống như cá bớp, tình trạng nông dân ồ ạt trồng dưa hấu, trồng chuối, trồng hồ tiêu... cũng đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần với điệp khúc “lãi năm trước, sạt nghiệp năm sau”, nhưng học phí phải trả bằng cả gia sản của mình ấy, nhiều người vẫn đang tiếp tục phải trả mà chẳng chịu rút ra bài học nào. Nếu như ba năm trước, thương lái lùng sục về tận các vùng nông thôn hẻo lánh để mua cả chuối xanh rồi nhúng với hóa chất để chuối mau chín đặng chở sang Trung Quốc bán, thì mấy tháng qua, nông dân vùng Đồng Nai đã phải chặt bỏ hàng ngàn tấn chuối để cho dê, bò ăn, lấy đất trồng cây khác vì giá chuối đột ngột lao dốc khi thị trường Trung Quốc quay lưng lại.

Tương tự, hàng chục vạn con heo đến kỳ xuất chuồng, nhưng các chủ trang trại, hoặc là bán tống bán tháo chịu lỗ, hoặc nuôi cầm hơi chờ giá heo lên. Một đất nước có đến 75% là nông dân, nhưng sản phẩm từ nông nghiệp lại hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường của nước ngoài, nhưng cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các nhà kinh tế ở tầm vĩ mô vẫn không đưa ra một dự báo nào về “đầu ra” của sản phẩm, nên việc người nông dân phải trả giá là điều khó tránh khỏi.

Người nông dân bây giờ nuôi con gì, trồng cây gì phần lớn là bắt chước làm theo và dựa vào lời đồn, chứ không phải do định hướng từ nhà quản lý hay nhà khoa học. “Cây phong trào, con phong trào”  liên tục xuất hiện là vậy. Đành rằng nông dân bây giờ họ có quyền tự quyết trên mảnh đất của mình là trồng cây gì, nuôi con gì, song cũng cần có sự can thiệp bằng những khuyến cáo và định hướng từ cơ quan quản lý nhà nước và các nhà hoạch định chiến lược, chứ không thể thả nổi như lâu nay được.

Tại cuộc họp tổng kết ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn được Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đã đưa ra những cảnh báo về chuyện “bội thực” các loại cây-con khi chạy đua theo phong trào. “Lấy ví dụ như cây tiêu, ngành nông nghiệp chỉ quy hoạch 50 ngàn hécta, nhưng hiện đã tăng 120 ngàn hécta, thì “bội thực” tiêu là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế tình trạng này, các địa phương cần phải rà soát lại quy hoạch”, ông Nam yêu cầu.

Tinh thần chỉ đạo ở tầm vĩ mô là vậy, nhưng chừng đó thôi vẫn chưa thể chấm dứt được “cây phong trào, con phong trào” khi chúng ta không chủ động giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

 TRẦN ĐĂNG
 


.