Nghĩ về việc trồng hoa hồng

03:02, 27/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 20 năm, tôi thường về các vườn trồng hoa hồng ở xã Nghĩa Hà, Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi)... chỉ để ngắm những gốc hồng bụ bẫm và những bông hồng thơm ngát, khoe sắc trong vườn. Ngày đó tôi cứ nghĩ, rồi nghề trồng hoa hồng ở thị xã (bây giờ là thành phố) Quảng Ngãi sẽ có cơ hội phát triển. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, tôi lại gặp những lô bán hoa hồng trên những con đường bán hoa của thị xã. Đó là những cây hoa hồng bản địa với những bông hoa cánh mỏng, rất thơm và có một vẻ đẹp tuy mong manh, nhưng hết sức sang trọng.

Giống hoa hồng bản địa của Quảng Ngãi bây giờ gần như tuyệt chủng, hoặc chỉ còn rất ít, hầu hết là hoa hồng nhung và hoa tường vi-loài hoa tương đối dễ trồng, vì có khả năng đề kháng cao trước thời tiết và sâu bệnh. Những giống hoa hồng kiêu sa như hồng vàng, hồng bạch, hồng quế... “đặc chủng Quảng Ngãi” đã không còn thấy trên chợ hoa nữa. Thay vào đó là các loại hoa hồng Đà Lạt, màu sắc đẹp, nhưng cánh hoa dày cứng hơn và do vận chuyển bằng xe lạnh trên đường xa, nên hoa mua về rất khó nở bình thường. Trong khi hoa hồng bản địa Quảng Ngãi, nếu có, thì hoa thường tươi tắn, cắm vào bình thì nở đẹp, hương thơm rất quyến rũ.

Tôi tìm hiểu, thì những người trồng hoa hồng ở Quảng Ngãi đều nói là hoa hồng rất khó trồng, khó chăm và rất nhạy cảm với thời tiết thay đổi. Bản chất hoa hồng là như vậy, nhưng nếu giữ lại được những giống gốc hoa hồng bản địa, lai ghép với những giống hồng mới, kể cả hồng ở các địa phương khác như hồng cổ Sa Pa... thì vẫn có thể tạo ra những giống hồng có sức chống chịu cao với thời tiết thay đổi. Quảng Ngãi không phải là nơi thời tiết quá khắc nghiệt, dù bây giờ ai cũng cảm nhận được biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới thời tiết Quảng Ngãi, cũng như ảnh hưởng tới thời tiết trong cả nước.

Tôi vừa đọc một bài báo giới thiệu một chị luật sư ở Hà Nội đã kỳ công thức đêm thức hôm để trồng, cấy ghép, lai tạo, chăm bón cho hai vạn gốc hồng ở tận Xuân Mai (Hòa Bình). Chỉ có lòng đam mê mãnh liệt với hoa hồng mới khiến một phụ nữ trí thức làm được công việc vất vả của nhà nông như vậy. Hai vạn gốc hồng bản địa là một con số rất lớn, đó thật sự là một “trang trại hoa hồng bản địa” và nó cũng là một tài sản không hề nhỏ. Từ đó, tôi lại nghĩ tới những người trồng hoa tại Quảng Ngãi. Vì sao năm nào họ cũng chỉ trồng hoa cúc? Công nhận là hoa cúc dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng giá trị kinh tế thì không thể cao. Chỉ trồng lấy số nhiều và bán trong dịp trước Tết, nhưng độ rủi ro của việc trồng cúc cũng không hề nhỏ. Tết Đinh Dậu này đã chứng kiến sự thua lỗ không chỉ của người trồng hoa cúc, mà của cả người bán hoa cúc. Cơ sự cũng chỉ do thời tiết.

Tại sao cơ quan nông nghiệp của tỉnh không giúp đỡ về kỹ thuật, về cây giống để người trồng hoa Quảng Ngãi quay lại với nghề trồng hoa hồng bản địa? Tại sao không thể có những trang trại chuyên trồng hoa hồng bản địa? Và có thể “xây” trang trại trồng hoa hồng ngay dưới chân núi Cà Đam, nơi khí hậu có thể thích hợp với cây hoa hồng hay không? Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết mới thấy hết giá trị và lời lãi của hoa hồng bán trên thị trường.        

Thanh Thảo
 


.