Nghị định 09/2017/NĐ-CP:
Tăng cường trách nhiệm phát ngôn

09:02, 16/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, thay thế Quyết định số 25/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí đã được “nâng cấp” từ Quyết định của Thủ tướng lên thành một Nghị định của Chính phủ.

Nghị định 09/2017 được Chính phủ ban hành ngày 9.2, có hiệu lực từ 30.3.2017 quy định, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (gọi chung là người phát ngôn) hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải có trách nhiệm phát ngôn trước báo chí. Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.
 
Với cấp huyện, xã, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã là người chịu trách nhiệm phát ngôn trước báo chí. Trường hợp Chủ tịch UBND không thể phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện.
 
Ngoài ra, các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
 
Nghị định cũng quy định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ 1 tháng một lần.
 
Với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình, thông qua các hình thức như hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Trường hợp cần thiết, tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
 
Các tổng cục, cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương và Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng phải cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản.

Nghị định 09 của Chính phủ cũng quy định rõ: “Cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn, tên cơ quan hành chính nhà nước của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn”. Tránh trường hợp, vì động cơ không trong sáng, hoặc vì lý do nào đó, cơ quan báo chí, nhà báo “cắt, gọt” ý kiến của người phát ngôn, làm “méo mó” bản chất vụ việc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Với những quy định khá cụ thể, có thể nói Nghị định 09 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cơ quan báo chí và nhà báo trong việc tiếp cận thông tin. Bởi để có thông tin nhanh, trung thực, chính xác thì các tổ chức, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí.
 
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định số 77 của Thủ tướng Chính phủ trước đây cũng đã quy định về hình thức cung cấp thông tin và người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí. Và trên thực tế một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã cử người phát ngôn và thực hiện việc cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tác nghiệp, nắm bắt thông tin để phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Tuy nhiên, thông tin cung cấp chủ yếu là mặt “tích cực”, còn những vấn đề nổi cộm, bức xúc những khó khăn, hạn chế thường bị né tránh hoặc cung cấp nhưng rất chậm trễ. Nhiều đơn vị không có người và cũng không cử người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, nhà báo phải “năm lần bảy lượt” đi gặp người phát ngôn mà không được, không ai trả lời.
 
Chính vì không được cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính thống nên trước sức ép về nhiệm vụ tuyên truyền, nhiều nhà báo đã phải xử lý thông tin từ các nguồn không chính thống và không loại trừ việc suy diễn chủ quan  dẫn đến một số bài báo thiếu kiểm chứng thông tin, thông tin không chính xác, thiếu khách quan, gây dư luận không tốt trong xã hội.
 
Thực tế cho thấy, tình trạng né cung cấp thông tin cho báo chí dẫn đến nhiều hệ lụy. Đáng chú ý nhất là việc giải thích thông tin chậm trễ đã nhường “trận địa” cho những thông tin thiếu thiện chí, thông tin ngoài luồng thiếu chính xác và những đồn đoán bất lợi. Vì thế thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí sẽ  giúp cho việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đi vào nền nếp, có định hướng, đồng thời tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác, nhất là đối với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm.
 
Để làm tốt điều này, các cơ quan quản lý nhà nước phải xác định cung cấp thông tin cho báo chí là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, vì báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của chính quyền nói riêng và hoạt động cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở nói chung. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên cũng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về báo chí. 
 
H.Thịnh

 


.