Cuộc cách mạng của ngành nông nghiệp

09:01, 29/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam vào cuối tháng 12.2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin: Chính phủ đã quyết định dành một gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là cuộc cách mạng của ngành nông nghiệp ngay từ những ngày đầu năm 2017.

TIN LIÊN QUAN

Xác định vai trò “bà đỡ” của ngành nông nghiệp đối với kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ, nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Từ Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương 7, khóa X về "tam nông"; Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng mãi loay hoay với điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Xảy ra thực trạng này, ngoài diện tích sản xuất manh mún, nông dân hạn chế về kỹ thuật thì kinh phí đầu tư cho ngành nông nghiệp thấp và chưa kịp thời. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất còn rời rạc và làm theo kiểu được chăng hay chớ. Đơn cử như việc dồn điền đồn thửa (DĐĐT).

Mục tiêu của DĐĐT là hình thành những vùng sản xuất tập trung để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, góp phần tăng hiệu quả, giảm chi phí. Tuy nhiên, vì kinh phí hỗ trợ hạn hẹp, nên toàn tỉnh chỉ thực hiện được hơn 1.500ha, trong số hàng chục nghìn hécta cần DĐĐT. Đã thế, việc phân bổ kinh phí hỗ trợ chậm, nên các địa phương cũng không mạnh dạn mở rộng diện tích DĐĐT, vì lo vướng nợ.

Một nguyên nhân nữa khiến ngành nông nghiệp “đi trước về sau”, đó là chính sách khuyến khích hỗ trợ chưa thực sự đến với đối tượng thụ hưởng. Các đơn vị, tổ chức và người dân phàn nàn việc các ngân hàng thương mại “làm khó” về thủ tục, khiến họ không thể vay vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó, phía ngân hàng lại cho rằng, vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quá lớn, trong khi lợi nhuận và rủi ro cao, nên họ cũng phải tạo “rào cản thủ tục” để đảm bảo nguồn vốn vay an toàn. Vì vậy, với gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ đồng, những “nút thắt” của ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội được tháo gỡ. Đó là ngoài việc yêu cầu nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, thì Chính phủ cũng đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất.

Bên cạnh tin vui, gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ đồng cũng đặt ra trọng trách lớn cho ngành nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất. Dù được áp dụng cho tất cả các khu vực, đối tượng nhưng để sử dụng được nguồn tín dụng này, ngành nông nghiệp phải cải cách lại quy mô và quy trình sản xuất. Bởi, nông nghiệp công nghệ cao thì không thể là những hộ đơn lẻ sản xuất trên diện tích manh mún, rời rạc. Do đó, để không phải đứng ngoài cuộc gói tín dụng lớn và ý nghĩa này, đã đến lúc ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cần đẩy mạnh DĐĐT, tích tụ ruộng đất, cũng như xây dựng những vùng sản xuất tập trung, quy mô để ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch.  

MỸ HOA
 


.