Trả giá cho sự chủ quan

04:12, 18/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người miền Trung ai cũng thuộc câu này: “Ông tha nhưng bà chẳng tha/Trời hành cơn lụt hăm ba tháng mười”. Người xưa lấy ngày 23.10 âm lịch làm cái mốc cuối cùng khép lại một mùa mưa lũ ở miền Trung. Thế nhưng, kinh nghiệm dân gian của cổ nhân đôi khi bị “lệch pha” khiến hậu thế phải trả giá đắt nếu như tin tưởng hoàn toàn vào kinh nghiệm đó. Trận lụt hôm đầu tháng 11 âm lịch mới đây, với những thiệt hại rất lớn về người và tài sản là bằng chứng rõ nhất cho sự trả giá đó.

TIN LIÊN QUAN

Cả một vệt dài từ Quảng Nam cho tới Ninh Thuận bị lũ lụt, nhưng hai tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Ngãi và Bình Định. Chỉ trong 10 ngày (29.11 - 8.12), khu vực của hai tỉnh này đã có 26 người chết, 9 người bị thương, 237 ngôi nhà bị sập hoàn toàn (riêng Quảng Ngãi có 13 người chết, mất tích, hàng chục ngàn chậu hoa cúc cùng hàng nghìn chậu mai phục vụ cho dịp Tết sắp đến bị nước lũ nhấn chìm, khiến những hộ kinh doanh món hàng “sang trọng” này nhiều khả năng trắng tay sau lũ.

Nhưng đau nhất vẫn là những gia đình có người thân bị chết trong trận lũ vừa rồi. Nếu gặp phải lũ quét, lũ ống như ở vùng núi thì đành cam phận, vì nhiều khi tai họa ập xuống bất ngờ không trở tay kịp, còn những cái chết vừa qua, đa số là do chủ quan. Học sinh đi xem nước lụt trượt ngã xuống nước chết; đi xe máy qua ngầm tràn mà cố vượt lũ, khiến nước cuốn trôi chết; tranh thủ băng qua những nơi nước chảy xiết đã được cảnh báo bị nước nhấm chìm chết... Đủ các kiểu dẫn đến những cái chết trong lũ, nhưng phần lớn đều có cùng một mẫu số chung là do chủ quan mà ra.

Rút kinh nghiệm những mùa lũ trước đây, năm nay các địa phương chỉ đạo quyết liệt trong việc ngăn chặn số người chủ quan vượt lũ. Ban chỉ huy PCTT & TKCN địa phương đã cắt cử lực lượng dân quân và thanh niên xung kích có mặt tại các điểm bị ngập lụt để giúp dân chạy lũ, đồng thời giăng dây nghiêm cấm người dân qua các ngầm tràn. Nhờ vậy mà số người chết vì nước lũ được hạn chế đến mức thấp nhất. Dù vậy vẫn cứ xảy ra những cái chết do lỗi chủ quan như đã dẫn ở trên.

Thiên tai là điều không thể tránh được, nhất là những tỉnh như Quảng Ngãi, vùng đất luôn phải gồng mình để chống đỡ trước sự cuồng nộ của đất trời. Tuy nhiên, việc phải luôn đề phòng trước những biến đổi thất thường, trái với quy luật của thời tiết luôn là việc mà mỗi người dân và các cấp chính quyền cần phải lưu tâm. Trận lụt “hậu 23 tháng 10” mới đây đã thêm một lời nhắc nhở nữa cho người dân miền Trung rằng, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm, nên việc sẵn sàng đối phó để không phải trả giá cho những chủ quan của mình là điều cần thiết cho mỗi người.

TRẦN ĐĂNG
 


.