Muốn dân vận tốt phải củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng

03:12, 30/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đó là ý phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; tổng kết công tác dân vận năm 201 6 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra sáng 30.12.
 
Báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy nêu rõ: Sau 3 thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, công tác dân vận đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. 
 
Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; tập trung chỉ đạo nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị, vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân. 
 
Việc tổ chức thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở với nhân dân và thủ trưởng các sở, ban, ngành với nhân dân qua sóng Phát thanh- Truyền hình tỉnh đã đi vào nền nếp và hiệu quả, tác động tính cực trong đời sống xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng và chính quyền.
 
Đến nay, Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức 13 buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Bí thư 14/14 huyện, thành ủy tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại 119 xã, phường, thị trấn. 179/184 bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn tiếp xúc, đối thoại với 915 lượt thôn, tổ dân phố...
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ phát biểu tại hội nghị.
 
 
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác dân vận ngày càng đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được triển khai ngày càng sâu rộng; xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh…
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận thời gian qua, đó là: Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết 25 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy chưa phù hợp thực tiễn, hiệu quả chưa cao
 
Chưa đánh giá, dự báo kịp thời những diễn biến tư tưởng trong nhân dân; nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng chậm đổi mới, còn đơn điệu, tính thuyết phục chưa cao; chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ công tác dân vận, chưa đầu tư thỏa đáng công sức cho công tác dân vận; chưa thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền.
 
Đại biểu tham dự hội nghị
Đại biểu tham dự hội nghị
 
Một số nơi không sát dân, không làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân; nắm bắt, xử lý, giải quyết một số vấn đề bức xúc, nổi cộm của Nhân dân có lúc chưa kịp thời, dứt điểm; phương pháp vận động, tập hợp quần chúng chưa phù hợp với từng đối tượng. 
 
Công tác dân vận của chính quyền ở một số địa phương và sở, ngành chưa được quan tâm đúng mức, còn có mặt hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không làm tròn bổn phận là công bộc của nhân dân, không sâu sát thực tế cơ sở... 
 
Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu; giám sát và phản biện xã hội còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; bộ máy cồng kềnh, cán bộ nhiều nhưng chưa làm được nhiều việc cho dân... 
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhấn mạnh: Nhất quán với Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu của công tác dân vận trong thời kỳ mới, đó là: Củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Trong mục tiêu này thì việc “củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” là mục tiêu đặc biệt quan trọng, được xem là hướng đích cao nhất của công tác dân vận trong tình hình mới.
 
Vì vậy, trong thời gian đến, các cấp ủy đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung như:
 
Thứ nhất, để củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng đòi hỏi các cấp, các ngành phải tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực công tác cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị… Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, lòng tin của nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào tính đúng đắn của các quyết sách của Đảng và Nhà nước; sự trong sạch, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; sự gương mẫu, liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên; sự quan tâm thực hiện các vấn đề dân sinh, dân trí, dân chủ đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân.

 

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Như Sô tặng Giấy khen cho các tập thể
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Như Sô tặng Giấy khen cho các tập thể
 
Thứ hai, phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân. Vì chăm lo lợi ích, hạnh phúc cho Nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Xây dựng, chăm lo đời sống nhân dân là mục đích trực tiếp, là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và các cơ quan Nhà nước, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, là một động lực tạo ra sự lan tỏa, huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân.
 
Thứ ba, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân. Đây là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng và là bản chất của chế độ ta. Trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận theo hướng chủ động, tích cực, linh hoạt; tăng cường đi cơ sở, bám sát thực tiễn với phương châm "việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm"; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
 
Ngoài ra, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận; củng cố và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. 
 
Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp cần quan tâm lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở và gắn bó mật thiết với Nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
 
Quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận của các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”...
 
Tại hội nghị, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đã khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân vận.
 
Tin, ảnh: M.Toàn
 
 

.