Lắng nghe và hành động

09:12, 27/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội nghị bàn tròn với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: NLĐ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: NLĐ.


Những ý kiến của nhiều chuyên gia từ nhiều lĩnh vực trong nước và quốc tế đã có những đóng góp thẳng thắn mang tính đột phá. Như PGS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam, như chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính... PGS Trần Ngọc Anh tính toán, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10%, thì GDP tăng thêm được 3,6%.

Đây là một nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính phủ kiến tạo, vì hiệu quả của chính quyền nằm ngay trong hoạt động của bộ máy hành chính ở tất cả các cấp. Nếu ta hình dung chính phủ hoạt động như một guồng máy, thì chỉ cần một điểm “nghẽn”, lập tức bộ máy ấy sẽ vận hành chệch choạc. Nhưng làm sao để khắc phục những “điểm nghẽn”, thì đó là việc của chính quyền từ trung ương tới địa phương phải tìm cho ra lời giải thích hợp. Trong những điểm nghẽn đó, thì vấn đề hiệu quả của bộ máy hành chính là vấn đề phải đặt lên hàng đầu.

Lâu nay chúng ta đã nói nhiều và thực sự cũng đã tìm nhiều phương án để cải cách bộ máy hành chính, nhưng những cải cách ấy vẫn còn rất nửa vời, chưa đủ mạnh mẽ. Những tệ nạn trong công chức như tật vòi tiền, quan liêu, bê trễ, thiếu kiến thức khi giải quyết công việc... là những chuyện hằng ngày, mà tất cả những ai có dịp “đi qua cửa hành chính” đều cảm nhận rất rõ.

Không thể đo đếm nếu nền hành chính của chúng ta hoạt động trơn tru thì GDP sẽ tăng trưởng được bao nhiêu, nhưng hãy nhìn vào sự hài lòng của người dân. Nếu mức độ hài lòng của người dân cao, thì chắc chắn GDP sẽ tăng trưởng tốt. Sự hài lòng mang tới niềm hứng khởi trong công việc, còn sự trì trệ làm chán nản ngay những ai nhiều tâm huyết nhất. Chính sự chán nản là điểm nghẽn cho sự tăng trưởng mà chúng ta đang cố tìm cho ra. Ngược lại, sự hứng khởi mang một động lực mạnh mẽ từ mỗi cá nhân cho tới cả nền kinh tế.

Làm cho nhân dân hài lòng, hứng khởi trong công việc, đó chính là làm cho nền kinh tế phát triển. Và ngược lại…
“Lắng nghe và hành động” là khẩu lệnh của chính phủ kiến tạo hôm nay. Đó có thể coi như một khẩu lệnh xung trận, vì không thực sự lắng nghe thì không bao giờ có thể thấu hiểu. Còn không hành động thì không bao giờ có được kết quả tốt đẹp như mong muốn.

Thanh Thảo  
 


.