Khen thưởng thoát nghèo

02:11, 16/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã họp cho ý kiến dự thảo Chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn, xã thoát nghèo ở các vùng miền núi của tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Theo dự thảo, chính sách này sẽ hỗ trợ hộ gia đình thoát nghèo để tiếp tục phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập; hỗ trợ để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn thiếu.

Đồng thời, xét chọn những hộ thoát nghèo để khen thưởng theo từng cấp, trong đó ưu tiên cho các hộ thoát nghèo bền vững 3 năm liên tục... Đối với thôn đặc biệt khó khăn có chỉ số hộ nghèo thấp hơn chỉ số hộ nghèo tối thiểu quy định được thưởng  công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho cộng đồng, trị giá khoảng 200 triệu đồng và công trình 1 tỷ đồng (đối với xã đặc biệt khó khăn). Ngoài ra, còn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen... Mục đích của chính sách này là nhằm khuyến khích hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Giảm nghèo cho miền núi là bài toán khó và giảm nghèo bền vững cho khu vực này lại khó khăn gấp bội (vì không ít hộ thoát nghèo sau một thời gian lại tái nghèo). Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở miền núi có rất nhiều. Đó là do trình độ thấp, không có hoặc thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn đầu tư, đông con, các yếu tố thiên tai, dịch bệnh... Song cái khó nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan, do “căn bệnh ỷ lại” đã và đang ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của rất nhiều hộ nghèo ở cả 6 huyện miền núi của tỉnh.

 Lãnh đạo của một huyện miền núi cho biết, hiện có không ít hộ dân ở địa phương sở hữu hàng chục hécta rừng keo. Cứ 4-5 năm là họ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhà cửa được xây dựng khang trang. Thế nhưng, họ vẫn thuộc diện hộ nghèo, vì cho rằng thu nhập không ổn định và vẫn muốn bấu víu vào sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Và đó cũng là thực tế của nhiều hộ dân ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Từ năm 2016, nước ta sẽ bắt đầu thay đổi cách tiếp cận, đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Nghĩa là hộ nghèo không chỉ được xác định bằng thu nhập, mà còn bao gồm cả mức độ thụ hưởng các dịch vụ cơ bản như: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch... theo cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, tiếp cận theo cách nào thì trước tiên cũng phải thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đại bộ phận người nghèo ở miền núi. Chính sách giảm nghèo cũng dần hạn chế việc “cho không”, mà thay vào đó cần “trao cần câu, chứ không cho cá”, phát huy cho được nội lực của từng hộ nghèo, từng địa phương...

Vấn đề quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, làm cho đối tượng, địa phương thụ hưởng chính sách hiểu được sự giúp đỡ bên ngoài (vốn ngân sách, của các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân...) chỉ là hỗ trợ, còn người nghèo, địa phương nghèo phải tự vươn lên là chính. Cùng với đó là, kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những điển hình trong “hành trình” thoát nghèo, để họ vinh dự khi không còn nghèo. Chỉ khi nào xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì những chính sách đồng hành mới phát huy hiệu quả.           
            

HOÀNG HÀ
 


.