Điểm cập bến tàu không số C43B được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh

09:11, 25/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 25.11, UBND huyện Đức Phổ đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh điểm cập bến tàu không số C43B tại bãi biển Quy Thiện, xã Phổ Khánh. Đến dự có lãnh đạo Bảo tàng tổng hợp tỉnh; lãnh đạo huyện Đức Phổ; nguyên cán bộ Đoàn tàu không số C43B và đông đảo nhân dân xã Phổ Khánh.

TIN LIÊN QUAN

Cách đây 55 năm, ngày 23.10.1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 (sau là Đoàn 125), đơn vị tiền thân của lực lượng vận tải quân sự trên biển; chính thức mở con đường biển chiến lược quan trọng. Từ đây, những con tàu đầu tiên của Đoàn tàu không số đã bắt đầu những chuyến hải trình vượt biển, chở hàng vạn tấn vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. 
 
Để đảm bảo vũ khí cho quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968,  Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo Đoàn 125 chọn 4 đơn vị tàu tham gia chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, triển khai trên 4 địa điểm khác nhau, đồng loạt đột phá vào tối ngày 29.2.1968, tàu 43B có nhiệm vụ vận chuyển 37 tấn vũ khí vào bến Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
 
Khi đang trên đường vận chuyển vũ khí vào bến Phổ An, Đức Phổ thì bị địch phát hiện vây đuổi quyết bắt sống, tàu 43B buộc phải chạy về phía nam, nhằm dãy núi cao để lao tàu vào bờ, đến địa phận thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh lúc 0 giờ 50 phút ngày 1.3.1968. Bị tàu chiến và máy bay địch bắn ngăn chặn, không thể cắt vòng vây, tàu 43B buộc phải bắn trả, vừa lạng lách tránh đạn, tăng tốc độ chạy vào bờ. Suốt mấy giờ đọ súng quyết liệt với địch, thân tàu bị đạn địch găm thủng nhiều chỗ, nhiều đồng chí bị thương nặng. 
 
Lãnh đạo Bảo tàng tổng hợp tỉnhtrao Bằng công nhận Di tích  lịch sử cấp tỉnh điểm cập bến tàu không số C43B cho lãnh đạo  xã Phổ Khánh
Lãnh đạo Bảo tàng tổng hợp tỉnh trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh điểm cập bến tàu không số C43B cho lãnh đạo xã Phổ Khánh.
 
Trước tình thế phải chiến đấu với lực lượng địch đông gấp nhiều lần và rất hiện đại, nếu tiếp tục đánh ta sẽ thương vong nhiều và địch có khả năng cướp được tàu. Chỉ huy tàu đã quyết định cho mọi người khẩn trương rút lên bờ, còn tổ cảm tử ở lại hủy tàu. Ba đồng chí đảng viên Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng và Phan Văn Kiểm đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu với địch, 14 đồng chí còn lại đều bị thương. 
 
Các đồng chí bơi vào bờ thuộc bãi biển Quy Thiện, được du kích và nhân dân thôn Quy Thiện cấp cứu, bảo vệ, đưa về hầm bí mật che giấu, tránh được sự càn quét truy lùng của một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Sau hơn 1 tháng điều trị và dưỡng thương tại Bệnh xá Đức Phổ, các đồng chí theo đường Trường Sơn trở về miền Bắc tiếp tục nhiệm vụ mới.
 
Để ghi nhớ dấu mốc lịch sử này, ngày 2.8.2016, UBND tỉnh có Quyết định 1375/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho di tích lịch sử: Điểm cập bến tàu không số C43B,  tại bãi biển Quy Thiện tại huyện Đức Phổ.
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ nhấn mạnh: Di tích điểm cập bến tàu không số C43B được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh không chỉ góp phần vinh danh và tri ân những hi sinh, cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu “Không số” năm ấy, mà qua đó còn góp phần giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho các thế hệ, ra sức học tập xây dựng quê hương Đức Phổ ngày càng ấm no, hạnh phúc, đáp ứng hoài bão của các thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của quê hương; tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay tiếp tục chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc.
 
N.Đức
 

.