Xây dựng thương hiệu gạo Việt

06:10, 09/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có lần, tôi sang Pháp dự một Liên hoan thơ quốc tế. Ở Paris, tôi tá túc tại quán ăn Việt của một người bạn. Vì là quán ăn Việt nên từ cơm tới các món ăn đều “đậm đà hương vị Việt”. Vậy mà khi hỏi chuyện người bạn chủ quán, mới biết, gạo nấu cơm ở đây là gạo Thái Lan, mắm ăn tuy mang nhãn “Phú Quốc”, nhưng là mắm Thái Lan, do từ khá lâu rồi người Thái đã lấy “thương hiệu Phú Quốc” của loại mắm được cho là ngon nhất Việt Nam.

Gạo và mắm là hai thứ quan trọng nhất trong mâm cơm của người Việt từ hàng nghìn năm nay. Nước ta lại là nước xuất khẩu gạo có “số má” trên thế giới, nhưng chưa bao giờ người Việt ra nước ngoài lại được ăn một bữa cơm nấu từ gạo của nước mình và mang đúng thương hiệu Việt.

Bộ NN&PTNT muốn khắc phục điều này bằng việc “xây dựng thương hiệu cho gạo Việt”. Thế nhưng, cách làm của Bộ theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, là lấy đặc tính của một loại lúa gạo có xuất xứ từ Trung Quốc là RVT để “gán” cho một loại gạo thuần chủng Việt là ST21 (Sóc Trăng 21) khiến chủ nhân của giống lúa gạo ST21 phải bức xúc: “Giống ST21 được đưa vào danh sách để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, nhưng “cha đẻ” của nó, ông Hồ Quang Cua (nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng) lại hoàn toàn không hài lòng với “vinh dự” lớn này. “Giống ST21 không hề có những đặc điểm giống như mô tả trong dự thảo nói trên.

Những đặc điểm được mô tả về ST21 trong dự thảo là của giống lúa RVT, có xuất xứ từ Trung Quốc”, ông Cua khẳng định. Sau đó Bộ NN&PTNT đã giải thích là mình...nhầm(?). Không biết trong khoa học đã có kiểu “nhầm” nào lạ kỳ như vậy chưa?

Còn giống Jasmine tuy được trồng phổ biến ở Việt Nam, nhưng lại có nguồn gốc từ... Mỹ, thì GS-TS Võ Tòng Xuân nêu vấn đề: “Việc lấy một giống lúa của nước ngoài để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam rõ ràng là không thể chấp nhận được”.

Cách “xây dựng thương hiệu gạo Việt” của Bộ NN&PTNT như thế, không chỉ là chuyện “xây nhà từ nóc”, mà tệ hơn, là cách làm thiếu trách nhiệm với một chủ trương lớn của Nhà nước. Ai cũng biết, không thể xây dựng thương hiệu gạo Việt dựa vào “những yếu tố nước ngoài” như thế được.

Trong khi lại bỏ qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt chính những giống lúa Việt đã thuần chủng và nổi tiếng là thơm ngon để nhân rộng cho bà con nông dân trồng và xuất khẩu dưới những cái tên thuần Việt. Từ đó thương hiệu gạo Việt ra đời. Đừng bắt chước Thái Lan lấy thương hiệu “Mắm Phú Quốc” làm nhãn dán vào mắm... Thái Lan rồi bán ra toàn thế giới.

Riêng việc chúng ta để mất thương hiệu “Mắm Phú Quốc” vào tay người Thái, thì con đường đòi lại thương hiệu này cho mắm Phú Quốc là con đường còn quá gian nan. Vậy mà, khi xây dựng thương hiệu Việt cho lúa gạo của mình, chúng ta lại có thể tắc trách tới mức “gắn” định tính của một loại gạo Trung Quốc cho một loại gạo Việt, rồi lấy luôn một loại lúa gạo có xuất xứ từ Mỹ cho vào “rổ” gạo Việt thuần chủng. Gọi việc làm đó là “xây nhà từ nóc” cũng chưa đúng, mà phải nói như GS-TS Võ Tòng Xuân: “Cách mà Bộ NN-PTNT đang làm, chỉ phí tiền thôi, vì trước sau gì cũng không thành công”.

Thanh Thảo
 


.