Lại điều chỉnh Thông tư 30

05:10, 02/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cốt lõi của Thông tư 30 là việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học. Sau ba năm thực hiện thông tư này, giáo viên vẫn tiếp tục kêu ca, còn phụ huynh thì vẫn cảm thấy tù mù, chẳng biết con mình thực học thế nào, kết quả ra sao và liệu những nhận xét của giáo viên với con mình có là thực chất? Bây giờ, Bộ GD&ĐT lại ra tiếp Thông tư 22 để sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học, nhằm khắc phục những bất cập xung quanh việc bỏ chấm điểm ở bậc học này.

Thực ra, việc chấm điểm hay bỏ chấm điểm cũng không quá quan trọng với học sinh tiểu học. Cái quan trọng hơn là lối dạy học nhồi nhét cho trẻ con có thể dẫn tới sự rối loạn trong cơ chế tiếp thu và “tiêu hóa kiến thức” của trẻ nhỏ. Nếu không quá quan trọng hóa việc chấm điểm, không quan trọng hóa việc nhồi nhét kiến thức, thì chắc chắn Bộ GD&ĐT không phải ra hai thông tư trong vòng ba năm về chuyện này.

Đây không phải là chuyện “để hay bỏ” việc chấm điểm, mà quan trọng hơn, là cách dạy có phù hợp với lứa tuổi học sinh ở bậc tiểu học không? Tôi còn nhớ, hồi tôi học cấp 1 (tức tiểu học bây giờ), chương trình học rất nhẹ nhàng, việc cho điểm vẫn tiến hành bình thường, nhưng cả thầy lẫn trò đều không quá phụ thuộc vào điểm. Vẫn phân biệt được học sinh giỏi, khá, trung bình hay yếu theo hình thức dạy học và chấm điểm như thế, nhưng học sinh tiểu học không hề mặc cảm, nếu mình không đạt được thang điểm “giỏi” hay “khá”. Chưa đạt được thì thầy sẽ có sự chú ý phụ đạo riêng, để mình cố vươn lên đạt tới điểm số tốt hơn, không nóng vội, cũng không bị bất cứ áp lực nào.

Vấn đề giáo viên “kêu ca” nhiều nhất khi thực hiện Thông tư 30 là việc đánh giá học sinh. Có 2 mức để đánh giá học sinh: Hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như thế được cho là nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh. Thông tư 22 khắc phục bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Riêng tôi nhận thấy, cách đánh giá sau sửa đổi của Thông tư 22 vẫn còn khá chung chung và có thể lại sa vào hình thức, khi thế nào là “hoàn thành tốt”, thế nào là “hoàn thành” vẫn chưa được làm rõ. Dĩ nhiên, chuyện “chưa hoàn thành” thì đã có sự phân biệt khá rõ, nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Bây giờ, khi mới học tiểu học, các cháu bé đã phải học thêm rất nhiều, thì theo một lô-gic thông thường “học nhiều, biết nhiều”, chắc các cháu sẽ được tiếp thu nhiều kiến thức ở bậc tiểu học. Nhưng vấn đề là các cháu tiếp thu những kiến thức ấy như thế nào, có “tiêu hóa” được chúng không, thì thật khó để đánh giá nếu chỉ thông qua ba tiêu chí là “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”.

Vấn đề khó nhất đối với một xã hội vẫn là vấn đề giáo dục, nên không ai kỳ vọng Bộ GD&ĐT chỉ “sau một lần” là có thể ban hành một thông tư nào đó “cho mãi mãi”. Chắc chắn sẽ phải có điều chỉnh, thậm chí, thay đổi cho phù hợp. Nhưng cũng đừng vì những thay đổi liên tục như thế mà gây áp lực cho học sinh. Học giỏi ở tiểu học chưa chắc đã học giỏi ở trung học cơ sở (THCS), còn học giỏi ở THCS chưa chắc đã giỏi ở trung học phổ thông (THPT). Và cuối cùng, học giỏi ở THPT cũng rất khác với học giỏi ở đại học.

THANH THẢO
 


.