Phương án chưa tốt hay ý thức kém

02:09, 28/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 4 không đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, ngoài những thiệt hại về tài sản ước tính hàng chục tỷ đồng, thì Quảng Ngãi lại có một người chết do bão số 4. Điều này khiến dư luận băn khoăn.

Khi bão số 4 được dự báo sẽ đổ bộ vào Quảng Ngãi đêm 12.9, thì trước đó, vào ngày 11.9, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã gây mưa to đến rất to trên diện rộng. Trước tình hình này, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (BCH PCTT&TKCN) đã có công điện gửi các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố yêu cầu triển khai phương án ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến ngày 12.9, ATNĐ tiếp tục diễn biến phức tạp, nên cùng với công điện của BCH PCTT&TKCN tỉnh, thì Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã chủ trì cuộc họp khẩn, chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai các biện pháp chủ động ứng phó.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác dự báo và tuyên truyền thông tin về bão số 4: “Cùng với việc triển khai thực hiện tốt phương án PCTT&TKCN, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu; đồng thời chuyển tải kịp thời, chính xác, đầy đủ thông tin về bão số 4 đến người dân để họ nắm bắt và chủ động ứng phó. Khi xảy ra sự cố, nếu hộ dân nào cố tình không chấp hành việc di dời thì chính quyền kiên quyết xử lý, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 4 gây ra”.

Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh rõ ràng, trọng tâm. Nhưng không hiểu vì sao đêm 12.9, rạng sáng ngày 13.9, là thời điểm dự kiến bão số 4 hoành hành thì người dân lại ra hồ tôm khởi động máy sục khí để rồi bị thương vong. Riêng tàu thuyền, ngay từ sáng ngày 12.9, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã có công điện yêu cầu 343 tàu thuyền/2.293 lao động đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi phải khẩn trương vào bờ, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước 15 giờ chiều ngày 12.9. Tuy nhiên, đến 18 giờ 30 phút ngày 12.9, chiếc tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Đạt, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) mới trên đường trở về bờ. Thời điểm này, trời đang mưa to, gió lớn, biển động mạnh, nên khi đến khu vực cảng Sa Kỳ, chiếc tàu đã bị sóng đánh chìm.

Vì sao giữa lúc chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẵn sàng ứng phó với bão số 4, thì nông dân lại ra đồng, còn ngư dân thì đủng đỉnh không sớm đưa tàu về tìm nơi trú ẩn? Phải chăng vì họ tiếc của, hoặc cho rằng bão số 4 với sức gió cấp 8 chưa đủ gây nguy hiểm cho tàu thuyền? Hay vì họ chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin, diễn biến về cường độ, hướng di chuyển của bão số 4, nên mới bị động trong việc ứng phó?

Theo BCH PCTT&TKCN tỉnh, thiệt hại trong bão số 4 là rất đáng tiếc. Thiệt hại này, không chỉ do ý thức phòng chống thiên tai của người dân chưa cao, mà còn do BCH PCTT&TKCN tuyến cơ sở đã không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, cũng như nội dung các công điện của BCH PCTT&TKCN tỉnh. Rồi đây, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để xảy ra thiệt hại về người và tàu thuyền trong bão số 4 vừa qua sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, dù bất kỳ nguyên nhân gì thì dư luận mong rằng, những thiệt hại “không đáng có” như thế sẽ không tái diễn trong thời gian tới.

MỸ HOA
 


.