Đừng để việc lạm dụng xe công trở thành thói quen

10:09, 30/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Tuần qua câu chuyện Bộ Tài chính, đơn vị quản lý việc sử dụng xe công quyết định áp dụng khoán xe công cho các thứ trưởng và cấp tổng cục trưởng từ ngày 1/10, được dư luận khá quan tâm. Chưa biết kết quả ra sao, nhưng đây là cách làm đáng hoan nghênh.

Câu chuyện xe công không phải đến bây giờ mới được đặt ra, từ hơn 10 năm trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và ban hành nghị quyết về khoán xe công. Nếu được thực hiện phổ biến và nghiêm túc, ngân sách có thể tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, thậm chí nhiều hơn.

 

Cả nước hiện có khoảng 40.000 chiếc xe công và chi phí nuôi số xe công này lên tới gần 13.000 tỷ đồng/năm. Ảnh minh hoạ (Zing.vn).
Cả nước hiện có khoảng 40.000 chiếc xe công và chi phí nuôi số xe công này lên tới gần 13.000 tỷ đồng/năm. Ảnh minh hoạ (Zing.vn).

 

Thế nhưng, việc lạm dụng xe công đã trở thành thói quen, thành đặc quyền đặc lợi nên không mấy ai muốn thay đổi. Và vì thế, Nghị quyết của Quốc hội sau đó không mấy cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện. Tháng 8/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành quyết định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công. Tuy nhiên, quyết định cũng không được các bộ ngành, địa phương chấp hành nghiêm.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm 2015, Quốc hội phải một lần nữa tiếp tục yêu cầu chấn chỉnh tình trạng sử dụng lãng phí xe công, thực hiện chính sách khoán trong sử dụng xe, sử dụng xăng xe… với người có chế độ dùng xe công.
 
Từ đầu năm nay đến nay, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại toàn bộ số lượng xe công ở từng nơi. Và thực tế, kiểm tra nơi nào, nơi ấy có vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng.

Thực trạng quản lý, mua sắm xe công tràn lan, sử dụng lãng phí như thế, nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý còn quá lỏng lẻo và quá dễ dãi, các hình thức kỷ luật, chế tài hầu như không thấy nói đến. Nếu có chỉ là lưu ý, rút kinh nghiệm, rồi đâu lại vào đấy.

Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng 40.000 chiếc xe công và chi phí nuôi số xe công này bình quân 320 triệu một chiếc và lên tới gần 13.000 tỷ đồng/năm. Đó chỉ là ước tính bởi chi phí thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

Để tăng được 60 ngàn đồng cho một hệ số lương tối thiểu của công chức mới đây, ngân sách phải chi hơn 11.000 tỷ đồng. Nghĩa là hàng năm, riêng chi phí cho xe công đã nhiều hơn số tiền tăng lương ít ỏi cho cả hệ thống hưởng lương từ ngân sách. Đó là một sự lãng phí quá lớn.

Chính vì thế, việc Bộ Tài chính tiên phong trong việc thực hiện khoán xe công nhận được sự ủng hộ rất cao của nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị và trong dư luận xã hội. Vì theo như ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng: "Sang các nước như Đan Mạch, Thụy Điển, tôi thấy Thủ tướng nước họ vẫn đi xe công cộng bình thường, đâu vấn đề gì", ông Tiến nói và cho biết khi khoán xe công không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn "giúp lãnh đạo gần dân hơn". 

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, hơn ai hết, các ngành, các cấp của bộ máy nhà nước càng phải nêu gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đã đến lúc cần phải siết chặt việc mua sắm, sử dụng xe công, đưa vào tiêu chí đánh giá cán bộ để xử lý nghiêm người vi phạm. Bên cạnh đó, cần áp dụng cơ chế khoa học, phù hợp để quản lý chặt chẽ xe công, giảm chi ngân sách cho lĩnh vực này.

Việc tiên phong của Bộ Tài chính là rất cần thiết trong câu chuyện giải quyết vấn đề xe công. Chủ trương này cần được rút kinh nghiệm qua một thời gian thực hiện và triển khai rộng ra các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần sự kiên quyết trong việc thực hiện và điều cần làm trước tiên phải bắt đầu từ sự gương mẫu và nghiêm túc của những người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương và các cơ quan, đơn vị.

Quỳnh Nhi


.