Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới

10:09, 22/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 21.9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh tiếp và làm việc với đoàn.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, để triển khai thực hiện xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định và tổ chức chỉ đạo thực hiện và được các cấp, các ngành và nhân dân đồng thuận.
 
Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 164/166 xã tham gia thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 8.2016, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 47 xã đạt 10-14 tiêu chí; 50 xã đạt đạt từ 5-9 tiêu chí; 36 xã đạt từ 0-4 tiêu chí. 

 

Ông Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
Ông Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
 
UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách riêng để huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách cho việc xây dựng nông thôn mới. Việc huy động các khoản đóng góp ngoài ngân sách đã được các địa phương chủ động thông qua sự bàn bạc, thống nhất của người dân. 
 
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nôn thôn mới là 6.370 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 273 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là trên 491 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện, xã, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, cộng đồng dân cư...
 
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và gần 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho thấy những tác động qua lại mang tính tích cực. Đó là nông thôn được quy hoạch cơ bản hơn về phát triển hạ tầng và phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho việc bố trí cây trồng vật nuôi một cách hợp lý, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.
 
Việc xây dựng nông thôn mới góp phần đào tạo, nâng cao năng lực trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
Tuy nhiên bên cạnh đó, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 của tỉnh còn chậm so với bình quân cả nước, số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; kết quả thực hiện giữa các huyện, thành phố trong tỉnh không đồng đều, có sự chênh lệch lớn. 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới của Quảng Ngãi vẫn còn thấp so với kế hoạch đã đề ra. Vì vậy trong thời gian đến, tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện hoàn thành các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên bên cạnh đạt các tiêu chí thì việc duy trì các tiêu chí cũng là một vấn đề mà tỉnh cần phải quan tâm. Nhất là các công trình hạ tầng, các công trình văn hóa ở xã. 
 
 
Tin, ảnh: M.Toàn

.