Đại biểu thảo luận và thông qua nghị quyết các đề án quan trọng

02:09, 29/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Như tin đã đưa, sáng 29.9, kỳ họp thứ 3 (kỳ họp bất thường), HĐND tỉnh khóa XII đã chính thức khai mạc. Trong buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 và Đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị.

TIN LIÊN QUAN

Thảo luận và thông qua Nghị quyết về Đề án Quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh đội trưởng, đội phó Đội dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh; Đề án tuyển chọn học sinh, sinh viên Quảng Ngãi cử đi đào tạo trong và ngoài nước giai đoạn 2016-2010 và những năm tiếp theo.
 
Tại kỳ họp, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đọc tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảo đảm bảo vững chắc về quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng sởm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. 
 
Mục tiêu đặt ra của giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn các huyện, thành phố ven biển tăng bình quân trên 6%/năm, đến năm 2020 đóng góp trên 90% GRDP và trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) các huyện, thành phố ven biển tăng bình quân trên 6%/năm.
 
Đại biểu tham gia góp ý vào các đề án
Đại biểu tham gia góp ý vào các đề án.
 
Đến năm 2020, đóng góp trên 90% GRDP và trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, sản lượng hải sản khai thác đạt 160 ngàn tấn, nuôi trồng 10 ngàn tấn, chế biến trên 15,7 ngàn tấn, 22/65 xã thuộc các huyện ven biển, đảo; trong đó, 14/25 xã ven biển đạt chuẩn nông thôn mới.   
 
Khu kinh tế Dung Quất, giai đoạn 2016-2020 thu hút đầu tư 2,5-3,5 tỷ USD, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ 3-4%/năm; đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu 600-800 triệu USD, hàng hóa thông qua cảng 18 triệu tấn, giải quyết việc làm 35.000 lao động.
 
Riêng đối với huyện đảo Lý Sơn, phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 10%/năm; đến năm 2020, nông nghiệp và thủy sản chiếm 51%, công nghiệp - xây dựng chiếm 13%, dịch vụ chiếm 36%.
 
Dự kiến khả năng cân đối trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Đề án khoảng 4.700 tỷ đồng.
 
* Đối với Đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Mục tiêu huy động nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
 
Về hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa, cứng hóa 100% đường tỉnh, 85% đường huyện và 65% đường xã; trong đó Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Quốc lộ 24 (đoạn Phổ Phong - thị trấn Ba Tơ) và tiếp tục đầu tư đoạn còn lại đi Kon Plông; Quốc lộ 1 (đoạn Dốc Sỏi - Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP).
 
Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn 1; đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện miền Tây Quảng Ngãi (đoạn Long Môn - Sơn Kỳ); cảng Bến Đình; sửa chữa bến cập tàu đảo Bé; các trục giao thông chính ở các huyện; đường đến trung tâm các xã.
 
Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và cân đối nguồn lực của tỉnh để thực hiện đầu tư các dự án: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B (đoạn qua trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh); nâng cấp đường Quảng Ngãi - Chợ Chùa; đoạn còn lại của tuyến Sơn Hà - Sơn Tây; cầu cửa Đại; đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất II, giai đoạn 1.
 
Đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết về đề án
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết.
 
Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn II (ưu tiên đầu tư đoạn từ xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi đến xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức); đường Minh Long - Ba Động (ưu tiên đầu tư trước đoạn Ba Động - Ba Điền); đường Sơn Liên - cầu Tà Meo; đường Eo Chim - Trà Nham - dốc Bình Minh; tuyến ĐT.624B (Quán Lát - Đá Chát); tuyến ĐT.623B (Quảng Ngãi - Thạch Nham, giai đoạn 2) và một số tuyến đường từ các xã của huyện Tây Trà, Sơn Hà vào các tuyến đường tỉnh.
 
Huy động nguồn lực xã hội đầu tư đường cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định; đầu tư Trạm dừng nghỉ kết hợp bến xe khách tại huyện Đức Phổ; bến xe mới Quảng Ngãi; các bến xe hoặc bãi đỗ xe tại các huyện; bãi đậu xe công cộng tại các trung tâm kinh tế, thương mại; hạ tầng và các dịch vụ trên bờ phục vụ hoạt động cảng Sa Kỳ, cảng Bến Đình; tàu vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại và du lịch tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé, Vạn Tường - Lý Sơn, tuyến hàng không Dung Quất - Lý Sơn phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển du lịch,...
 
Về hạ tầng đô thị: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của một tỉnh công nghiệp; trong đó ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư hạ tầng thành phố Quảng Ngãi: Hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường: bờ Nam sông Trà Khúc, Nguyễn Trãi (giai đoạn 2).
 
Nguyễn Công Phương (giai đoạn 2), cầu Thạch Bích, khu dân cư phục vụ tái định cư Trung tâm hành chính tỉnh và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu; ưu tiên đầu tư để huyện Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh; phấn đấu đô thị Vạn Tường, thị trấn Châu Ổ mở rộng (sát nhập thêm khu vực Bình Long) đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; thị trấn Di Lăng tập trung đầu tư cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV.
 
Các đô thị: Minh Long, Lý Sơn, Sơn Tây trở thành thị trấn trực thuộc huyện; cơ bản hoàn thành hạ tầng thiết yếu trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh và các tiêu chí còn thiếu đối với các đô thị đã được công nhận như thị trấn Đức Phổ, thị trấn Ba Tơ, Lý Sơn, Trà Bồng, Minh Long, Tư Nghĩa; các đô thị còn lại từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại V theo quy định.
 
Ngoài ra, Đề án còn có các nội dung về đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng thương mại; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản;  hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng giáo dục, đào tạo; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; về hạ tầng thông tin, truyền thông, khoa học - công nghệ,...
 
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Đề án đến năm 2020 trên 55.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán dự kiến khả năng cân đối để thực hiện Đề án đến năm 2020 khoảng 33.000 tỷ đồng.
 
* Đối với Đề án tuyển chọn học sinh, sinh viên Quảng Ngãi cử đi đào tạo trong và ngoài nước giai đoạn 2016-2010 và những năm tiếp theo. Mục tiêu là tuyển chọn học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ngãi cử đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế trong thời kỳ mới theo chủ trương của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
 
Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2016-2020 chọn cử 250 người đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước. Từ năm 2020 đến những năm tiếp theo chọn cử 400 người đi đào tạo đại học và sau đại học trong và ngoài nước.
 
Đối tượng là học sinh THPT công lập đạt thành tích xuất sắc trong học tập được cử đi học đại học trong và ngoài nước. Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy công lập trong nước và và nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học trong hoặc ngoài nước.
 
Chế độ hỗ trợ, đối với trong nước được hỗ trợ 70% chi phí học tập gồm học phí, các chi phí bắt buộc phải nộp cho cơ sở đào tạo, bảo hiểm bắt buộc, tiền sinh hoạt hàng tháng.
 
Học ngoài nước được hỗ trợ 100% học phí và các chi phí bắt buộc phải nộp cho cơ sở đào tạo, bảo hiểm y tế tối thiểu bắt buộc, tiền vé máy bay, vé tàu... Hỗ trợ 100% sinh hoạt phí năm đầu, 85% năm học thứ 2 và 70% cho các năm học tiếp theo. 
 
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án giai đoạn 2016-2020 là 195 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 là 165 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 165 tỷ đồng.
 
M.Toàn

.