Làm báo khó thay!

02:06, 20/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đúng là khó thật, nhất là thời buổi hiện nay khi sự cạnh tranh thông tin vô cùng khốc liệt giữa báo giấy và báo mạng và giữa các báo mạng với nhau. Các chủ bút nói chung và các nhà báo nói riêng như lạc vào ma trận của thông tin. Nhưng điều cốt tử là làm sao để có thể tồn tại được với nghề, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.

TIN LIÊN QUAN

Một đồng nghiệp có phỏng vấn tôi nhân Ngày nhà báo 21.6: “Mỗi buổi sáng, mở tờ báo ra, thứ tự ưu tiên của anh khi đọc tờ báo ấy là gì?”. Tôi trả lời không một chút đắn đo: “Đọc quảng cáo, đúng ra là xem độ dày - mỏng của quảng cáo trước”. Người đang phỏng vấn tôi lấy làm ngạc nhiên vì câu trả lời hình như không nằm trong “kịch bản” mà anh chuẩn bị.

 Lẽ dĩ nhiên, bạn đọc khi bỏ tiền ra mua báo, hẳn là họ không có cái kiểu “ưu tiên” xem quảng cáo trước như tôi. Đơn giản bởi vì tôi là nhà báo, đang làm việc ở một tờ báo “tự làm tự nuôi”. Xem quảng cáo được ưu tiên hàng đầu của tôi là bởi, toàn bộ chuyện cơm áo gạo tiền nó nằm trong đó. Hôm nào quảng cáo ít, dĩ nhiên nguồn thu sẽ ít. Nguồn thu ít thì thu nhập của từng cán bộ, phóng viên của tờ báo giảm theo. Và ngược lại. Tôi quan niệm, quảng cáo như một cái máy đo về “sức khỏe” của mỗi tờ báo vậy. Đó là nói những tờ báo “tự làm tự nuôi”, còn những tờ báo được bao cấp thì chuyện quảng cáo có vẻ “dễ thở” hơn.

Quảng cáo phụ thuộc vào số lượng phát hành hằng ngày của mỗi tờ báo. Số lượng phát hành lại phụ thuộc vào nội dung mà tờ báo đó chuyển tải mỗi ngày. Nội dung hay, hấp dẫn, thu hút độc giả thì lượng phát hành sẽ tăng theo. Mà lượng phát hành tăng thì quảng cáo càng nhiều. Bây giờ, bộ phận maketing của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, giới thiệu sản phẩm họ nắm rất kỹ số lượng phát hành của những tờ báo chỉ số phát hành cao hiện nay. Mình không thể “khai thêm” về số lượng phát hành hằng ngày với họ được!

Vậy thế nào là một tờ báo được gọi là “hấp dẫn” để thu hút bạn đọc mỗi ngày đây? Cái này đang là đề tài nóng của các chuyên gia phân tích về lĩnh vực báo chí. Rất khó để đưa ra một định nghĩa cho thật chu toàn về chuyện “hấp dẫn” này. Thu hút bạn đọc chưa hẳn được xem là “hấp dẫn” (xin được hiểu chữ “hấp dẫn” này trong một nghĩa hẹp, đại để như tươi vui, là lạ...).

Vụ hai phi công SU30 bị rơi trong khi làm nhiệm vụ, rồi một máy bay khác tham gia tìm kiếm lại gặp nạn, thu hút rất đông độc giả trong những ngày qua nhưng đó lại là chuyện rất đau lòng. Câu chuyện rất thời sự này thu hút bạn đọc chẳng kém gì vụ ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe tư nhưng mang biển số xanh cả. Nhưng tính chất của hai vụ việc lại hoàn toàn khác nhau. Các ông chủ bút ở những tờ báo lớn luôn phải cân nhắc liều lượng đưa tin cho mỗi vụ việc, làm sao đó không để bạn đọc “bỏ rơi” mình, nhưng cũng không để bị cấp trên “nhắc nhở”.
Làm báo bây giờ khó là thế đó.
 

TRẦN ĐĂNG
 


.