Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về biển, đảo

08:05, 26/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Trong 2 ngày (25-26.5), Hội Nhà báo Quảng Ngãi phối hợp với Tạp chí Người Làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Báo chí miền Trung với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo” tại Lý Sơn, một trong những huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đây là dịp để các cơ quan báo chí của miền Trung chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất cách thức tuyên truyền phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Trước tình hình biển, đảo khu vực miền Trung và rộng hơn là Biển Đông đang diễn biến phức tạp, báo chí cần phát huy vai trò trong việc nâng cao nhận thức và định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân, về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương”. Ở tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X tháng 2.2007 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" xác định, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Và đây chính là nội dung quan trọng được các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền trong nhiều năm qua. Song khi tình hình trên biển và cả trên đất liền hiện đang diễn biến phức tạp, đã đặt ra cho các cơ quan báo chí thách thức mới trong việc làm sao vừa tuyên truyền đúng định hướng, vừa đạt hiệu quả thông tin cao nhất.

Vừa qua, thông tin cá chết trên vùng biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xuất hiện trên các mặt báo khá dày, vô hình chung làm ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản, cũng như cuộc sống của hàng vạn ngư dân ở cả khu vực miền Trung, cho tới tận các tỉnh ở cực Nam của Tổ quốc.

Hay như một số thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng về tình hình trên Biển Đông gây hoang mang dư luận lại chưa được các cơ quan báo chí chính thống định hướng kịp thời...

Bởi thế, hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về các kết quả phát triển kinh tế biển, đảo của các thành phần kinh tế; chú trọng việc phát hiện, nhân rộng các điển hình, các nhân tố mới trong phát triển kinh tế, gắn với an sinh xã hội và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí và những người làm báo cần bình tĩnh, thận trọng, tỉnh táo trong việc tiếp cận các nguồn thông tin. Để từ đó, một mặt tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, đầy đủ, sâu sắc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về biển, đảo và giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Mặt khác, chủ động, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường, tranh chấp trên biển để xuyên tạc, kích động, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Qua đó, góp phần tích cực vào việc củng cố lòng tin của nhân dân, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Đó cũng là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển “mạnh về biển, làm giàu từ biển”...


LINH KHA


 


.