Vấn đề ngoại ô

09:04, 24/04/2016
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Dư luận đang nổi sóng quanh vụ công an và VKS huyện Bình Chánh (huyện ngoại ô của TP. HCM) khởi tố quán cà phê “Xin chào” của ông Nguyễn Văn Tấn với lý do quán này chậm xin giấy phép mở cửa đúng… 5 ngày.

Vụ việc đã khiến cả Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng. Thủ tướng đã yêu cầu phải ngừng ngay việc truy tố chủ quán cà phê “Xin chào”. Để hai nhân vật hàng đầu của thành phố và của chính phủ phải lên tiếng về một câu chuyện hoàn toàn không có một “dấu hiệu hình sự” nào như thế, hệ thống điều hành pháp luật ở một huyện ngoại ô TP. HCM đã bộc lộ không chỉ sự yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn, mà quan trọng hơn, bộc lộ một thái độ coi thường người dân tới mức không thể chấp nhận được.

“Người dân được phép làm những gì pháp luật không cấm”. Dĩ nhiên, pháp luật không hề cấm chuyện kinh doanh, mở quán cà phê hay quán ăn sáng. Nhưng chủ quán phải xin giấy phép hành nghề, và phải tuân thủ những quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Ở đây, chưa thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Bình Chánh nói gì về sự tuân thủ quy định an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường của quán “Xin chào”, còn giấy phép hoạt động thì quán này đã có, nghĩa là chính UBND huyện Bình Chánh đã cấp cho phép quán được bán những mặt hàng theo đăng ký kinh doanh.  

Câu chuyện ồn ào này có thể đi vào im lặng sau khi có sự can thiệp từ những cấp lãnh đạo cao nhất, nhưng mọi việc sẽ không kết thúc ở đó.

Một câu chuyện còn lớn hơn nhiều đang mở ra trước mắt chính quyền, và một khi bùng nổ, sẽ không có kết thúc êm thấm như vụ quán cà phê “Xin chào”. Câu chuyện đó có tên: Vấn đề ngoại ô.

Vấn đề ngoại ô là chuyện của những thành phố lớn trên thế giới, không riêng gì của Việt Nam hay TP. HCM.

Cách đây mấy năm, “vấn đề ngoại ô” đã bùng nổ ở thủ đô Paris của nước Pháp, và đã trở thành một cuộc khủng hoảng lớn, dẫn tới bạo động nguy hiểm. Chính phủ Pháp đã phải tốn bao công sức và tiền của mới khiến vụ ngoại ô Paris không bùng phát thành một “đại dịch”. Vấn đề của ngoại ô Paris là vấn đề của người nhập cư. Người nhập cư vào nước Pháp dĩ nhiên không phải người Pháp gốc.

Còn với ngoại ô Sài Gòn? Nhưng người nhập cư ở thành phố lớn nhất Việt Nam này là người Việt Nam, nhưng dĩ nhiên không phải người Sài Gòn gốc. Cùng với đà phát triển và công nghiệp hóa, đã diễn ra những làn sóng di dân theo diện rộng. Nơi dân di cư đổ vào là các thành phố lớn, trong đó Sài Gòn là trung tâm lớn nhất nước thu hút người nhập cư.

Có nhiều thành phần người nhập cư, nhưng những người nhập cư xuất thân từ nông thôn, thiếu những kỹ năng nghề nghiệp lao động cao thường phải ở những vùng ngoại ô có mức sinh hoạt thấp, giá rẻ, để tìm sinh kế. Ở đó, họ có thể làm đủ mọi nghề kiếm sống, kể cả những nghề mà pháp luật cấm. Đó là một thực tế. Khi TP. HCM chủ trương truy quét tội phạm một cách quyết liệt, rất nhiều băng nhóm tội phạm đã dạt về những vùng ngoại ô thành phố, “hạ trại, làm thể ỷ dốc” chờ cơ hội.

Ngoại ô của bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới cũng phức tạp, nhưng cách xử lý vấn đề ngoại ô thì từng quốc gia lại có những giải pháp không giống nhau.

Ở những quốc gia hài hòa được lợi ích của ngoại ô và trung tâm, có qui hoạch và chiến lược phát triển ngoại ô, tạo được công ăn việc làm cho người nhập cư, không có chính sách phân biệt hay kỳ thị đối với người nhập cư, thì những quốc gia ấy duy trì được sự ổn định của những vùng ngoại ô.

Ngược lại, khi những vùng ngoại ô bị “bỏ rơi”, phải nằm ngoài những mục tiêu phát triển, khi cuộc sống của người nhập cư tiếp tục khốn khó, mất ổn định, khi hố sâu ngăn cách giàu nghèo giữa ngoại ô và khu trung tâm ngày càng hun hút, ấy là khi “ngoại ô có chuyện”.

Thêm vào đó, chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở các vùng ngoại ô luôn có cảm giác mình là “hạng hai”, mình ít được quan tâm, mình không thể nào có thu nhập bằng những người làm việc cho chính quyền ở những khu trung tâm, trong khi mình phải trực diện đối phó và giải quyết nhiều vấn đề phức tạp hơn.

Những điều đó thường dẫn tới những suy nghĩ và hành xử nhiều khi tiêu cực, nhiều khi bỏ bê, và nhiều khi không thấu tình đạt lý với người dân. Một lần nữa, cách hành xử ấy lại khiến người dân ở ngoại ô có thêm những bức xúc, nung nấu những bất bình.

Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, vì đó là cách nhìn tốt nhất để có những phương án giải quyết vấn đề ngoại ô. Đừng để vấn đề này trở nên “nóng”, và nhất là có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát, như thành phố Paris đã từng gặp phải.

Có nhiều dịp đi Sài Gòn, tôi có nói với những người bạn Sài Gòn, là khi đi ở những khu trung tâm thành phố, tôi có cảm giác như mình đang đi ở một thành phố Tây phương phát triển nào đó. Với những khu trung tâm Sài Gòn bây giờ, người ta chỉ biết thốt lên: “Đẹp quá! Lộng lẫy quá!” Nhưng chỉ là ở những khu trung tâm thôi. Sài Gòn rất rộng, và phần ngoại ô thành phố bây giờ chiếm một diện tích đất mênh mông. Ở những nơi đó, người ta không thấy được sự “lộng lẫy” như ở những khu trung tâm thành phố.

Ở những nơi đó, người ta phải đối mặt với những vấn đề mưu sinh bức xúc hàng ngày, đối mặt với những nỗi khó khăn về tiện ích sinh hoạt, từ nước sạch tới ánh sáng và chỗ ở. Ở đó, có những người nhập cư lao động rất vất vả và thu nhập rất thấp. Điều đó, một khi kéo dài, sẽ dẫn tới những hệ lụy, thậm chí những nguy cơ.

Phát triển ngoại ô là một bài toán không hề dễ với bất cứ chính quyền nào. Nhưng nếu không có kế hoạch “giải” bài toán này, thì những bài toán khác lại xuất hiện với độ khó ngày càng tăng thêm. Đây là một vấn đề rất lớn mà TP. HCM bắt buộc phải đối mặt.        
 


.