Bế mạc hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 3, khóa XIX

04:04, 13/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 3, khóa XIX, sáng 13.4, Tỉnh ủy đã đánh giá, tổng kết Nghị quyết  số 05 của Tỉnh ủy khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, đồng thời bế mạc hội nghị.

TIN LIÊN QUAN

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 05, nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức viên chức về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực được nâng cao. Công tác khảo sát, dự báo nhu cầu, quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng nguồn nhân lực được chú trọng. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ thực chất hơn; quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được nghiêm túc; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn và điều động, luân chuyển cán bộ trong quy hoạch được đẩy mạnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ CCVC được nâng cao. 
 
Các đồng chí chủ trì hội nghị
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
 
Từ năm 2008 đến nay, các địa phương đã điều động, luân chuyển, tăng cường 117 cán bộ cấp huyện về giữ cán bộ chủ chốt cấp xã; từ năm 2009-2012, tỉnh đã thu hút, tuyển chọn, đào tạo và bố trí 116 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác cấp xã. Từ năm 2008 đến nay đã cử 3.095 lượt CBCC đi đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị; 6.353 lượt cán bộ đi bồi dưỡng, tập huấn.
 
Thực hiện đề án nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC trong hệ thống chính trị giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, đã điều động, luân chuyển 504 cán bộ công chức; thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương ở 14/14 huyện, thành phố với 47 chức danh. 
 
Đối với đào tạo cán bộ, ở cấp tỉnh và huyện đã cử 23 cán bộ đi đào tạo tiến sĩ, 340 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ. Cử 385 cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị, 1.365 cán bộ đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị; Tổ chức thi tuyển, xét và tuyển dụng được 2.309 CCVC, thu hút 179 người có trình độ cao về công tác tại tỉnh.
 
Đại biểu tham dự hội nghị.
Đại biểu tham dự hội nghị.
 
Cùng với đó, chất lượng giáo dục ở các cấp được nâng lên, tỷ lệ đạt trường chuẩn quốc gia ngày càng tăng; hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đã có bước phát triển về cả quy mô và chất lượng; chuyển dịch cơ cấu lao động ngày càng hợp lý hơn...

Tham gia thảo luận Nghị quyết này, hầu hết các đại biểu điều đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của nghị quyết trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì một số đại biểu cũng nêu ra những bất cập trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Trần Tấn Châu
Đại biểu Trần Tấn Châu

 Đại biểu Trần Tấn Châu- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một chính sách được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất đồng tình. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu hút nguồn nhân lực còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử như chính sách thu hút bác sĩ về bệnh viện. Ta chỉ mới thu hút được các em vừa mới ra trường, nhưng chưa thu hút được các bác sĩ có trình độ và kinh nghiệm. 

Cũng theo đại biểu Trần Tấn Châu, thời gian qua không chỉ đồng bằng mà ở miền núi, tình trạng học sinh miền núi sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn không xin được việc làm, điều này vô tình không khuyến khích được việc học ở miền núi bởi nhiều em cho rằng, học nhiều vẫn không có việc làm, điều này dẫn đến nhiều học sinh nghỉ học nửa chừng. Chính vì vậy, trong thời gian đến ngành giáo dục nên có giải pháp hướng nghiệp cho các em...

Đại biểu Trương Thị Mỹ Trang- Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Quảng Ngãi cho rằng, thời gian qua, công tác đào tạo cán bộ công chức của một số sở, ngành trong tỉnh còn nhiều bất cập. Cán bộ được cử đi đào tạo một cách ồ ạc nhưng không gắn với yêu cầu và phù hợp với công việc dẫn đến lãng phí tiền bạc của nhà nước và thời gian của cán bộ, công chức. Liên quan đến vấn đề này , đại biểu Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thừa nhận: Công tác đào tạo cán bộ, công chức của tỉnh còn nhiều bất cập, có trường hợp cán bộ học bổ túc nhưng lại có bằng thạc sĩ, bởi hiện nay để học lấy bằng thạc sĩ quá đơn giản.
 
Đại biểu Đoàn Dụng
Đại biểu Đoàn Dụng
Đại biểu Nguyễn Duy Nhân- Giám đốc Sở LĐTB&XH thì nói: Vấn đề nặng bằng cấp còn phổ biến, tình trạng phổ cập thạc sĩ diễn ra vẫn còn. Một số nơi, việc cử cán bộ đi đào tạo theo số lượng nhưng chưa đáp ứng được chất lượng cũng như yêu cầu công việc.
 
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Viết Chữ- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định, công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 05 được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu: khảo sát, dự báo nhu cầu, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được tăng lên, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo các cấp được mở rộng và nâng cao...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn một số yếu kém, bất cập, đó là đội ngũ CBCCVC vừa yếu, vừa thiếu, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chỉ mới chú ý về chỉ tiêu, số lượng, nặng về chuẩn hóa bằng cấp; chưa quan tâm đến chất lượng, ý thức trách nhiệm và năng lực thực thi nhiệm vụ. Việc đào tạo và thu hút nhân lực chưa tương xứng với nhu cầu và cơ cấu ngành nghề; nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp...
 
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại hội nghị
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ khẳng định, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục thực hiện những nội dung của NQ 05 còn phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh.
 
Theo đó, năm 2016 các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực hiện tốt công tác khảo sát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, đơn vị mình. Ưu tiên đào tạo sâu các ngành nghề tỉnh thực sự có nhu cầu cho cán bộ trẻ được đào tạo chính quy. Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý; hỗ trợ kinh phí cho học sinh là người dân tộc thiểu số đang học chính quy ở các trường có uy tín. Ưu tiên thu hút người có trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực thật sự cần thiết. 
 
Đổi mới công tác nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, miễn nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết thay thế, đưa ra khỏi hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp những cán bộ công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực kém, không hoàn thành nhiệm vụ...
 
Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo đội ngũ doanh nhân, nhà quản lý doanh nghiệp năng động, sáng tạo, thích ứng với hội nhập quốc tế. Tăng cường liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm...
 
M.Toàn -N.Đức (ghi)
 
 

.