Lợi thế... đi sau

02:03, 24/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Đề án đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Theo mục tiêu, đến năm 2020 tỉnh ta phấn đấu thu hút thêm khoảng từ 2,5 - 3,5 tỷ USD vào Khu Kinh tế Dung Quất; các khu công nghiệp của tỉnh thu hút khoảng 80 triệu USD và các địa bàn khác thu hút khoảng 750 triệu USD. Trong bối cảnh việc cạnh tranh, thu hút đầu tư giữa các địa phương hiện nay rất quyết liệt, nên công tác thu hút đầu tư  vào tỉnh không phải là chuyện dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành liên quan. Song không phải ta không có lợi thế, mà lợ

Thực tế, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác xúc tiến đầu tư. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 308 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn 151.000 tỷ đồng) và 38 dự án đầu tư nước ngoài (4,1 tỷ USD) còn hiệu lực. Tuy nhiên, so với các trung tâm kinh tế lớn và với mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì chúng ta vẫn cần nguồn lực lớn hơn nữa.

Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cho gần 600 trưởng, phó phòng cấp sở, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng, thời gian tới chúng ta cần tính toán, lựa chọn dự án đầu tư phù hợp, trên cơ sở tính tổng thể hiệu quả các mặt lợi ích.

Với hạ tầng đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện, với những dự án trọng điểm như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, VSIP Quảng Ngãi... và Khu Kinh tế Dung Quất rộng lớn, với cảng biển nước sâu đầy tiềm năng, Quảng Ngãi đang có lợi thế về cơ hội thu hút đầu tư mới.

Thời gian tới, các nguồn đầu tư (nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) sẽ không còn tập trung nhiều vào những khu vực đang trở nên chật chội về không gian, thiếu những nhân tố cho giai đoạn phát triển mới. Thay vào đó, luồng đầu tư tiếp theo có xu hướng dịch chuyển đến những vùng có quỹ đất rộng, lợi thế về giao thông như cảng biển, hệ thống đường bộ kết nối. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam nói chung, và Quảng Ngãi nói riêng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cả vốn FDI, đầu tư gián tiếp (FII) và các nguồn đầu tư ngoại khác. Vì thế, chúng ta cần tận dụng cho được cơ hội này, thực hiện tối đa “quyền lựa chọn” dự án, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thu hút dòng vốn đầu tư.

Và thêm một lợi thế rất lớn của một tỉnh đi sau, đó là  chúng ta có được bài học kinh nghiệm về chất lượng đầu tư mà không phải “trả học phí”. Không ít địa phương khi thu hút đầu tư chưa kiểm soát tốt. Đó là thu hút đầu tư quá nhiều vào những ngành chiếm nhiều lao động, nhưng giá trị gia tăng không cao; thiết bị, công nghệ lạc hậu và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nặng... Là tỉnh đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc này. Vấn đề là, cần có chiến lược dành không gian cho những dự án đầu tư hiệu quả và lâu dài, thay vì nóng vội thu hút dự án đầu tư kém chất lượng, nên hướng tới việc nâng cao chất lượng đầu tư song song với việc đảm bảo đời sống của người dân địa phương.

Và như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, tỉnh cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý và đổi mới công tác xúc tiến thu hút đầu tư theo hướng thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó là tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trở thành lực lượng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
 
HOÀNG TRIỀU
 

.