Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tại buổi Tọa đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

09:11, 19/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Tại buổi tọa đàm kỷ niệm 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), do Sở GD-ĐT tổ chức vào chiều 19/11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ có bài phát biểu với cán bộ của ngành giáo dục. Báo Quảng Ngãi xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. 

Thưa quý  thầy giáo, cô giáo là những nhà giáo Ưu tú sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Thưa quý thầy giáo, cô giáo nguyên Lãnh đạo, cán bộ ngành GDĐT Quảng Ngãi qua các thời kỳ.

Thưa quý thầy cô giáo nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở qua các thời kỳ.

Thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống "tôn sư trọng đạo"; tri ân thầy giáo, cô giáo đã trở thành nét đẹp văn hoá Việt Nam, của toàn xã hội đối với những người làm công tác giáo dục. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND, UBMTTQVN tỉnh, tôi xin gửi đến những nhà giáo ưu tú, toàn thể quý thầy giáo, cô giáo và học sinh trong toàn tỉnh, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo qua các thời kỳ và toàn thể quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt; chúc cuộc họp mặt của chúng ta thực sự thiết thực, bổ ích.

Kính thưa quý vị đại biểu. 

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tặng hoa cho các nhà giáo ưu tú.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tặng hoa cho các nhà giáo ưu tú.

Giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam, nhất là thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI khẳng định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Giáo dục đã, đang và sẽ mãi mãi giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh luôn quan tâm đến giáo dục, quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, kịp thời có những chủ trương phù hợp để giáo dục phát triển. Tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song Quảng Ngãi luôn được biết đến là địa phương giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Dù khó khăn đến đâu, ngay cả trong những năm tháng ác liệt nhất của các cuộc kháng chiến; các thế hệ con em Quảng Ngãi vẫn cố gắng bám trường, bám lớp để học tập. Nhà trường kháng chiến, lớp học cách mạng vẫn luôn được duy trì dưới mưa bom lửa đạn. Từ những ngôi trường, lớp học ấy nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, góp phần quan trọng để giải phóng quê hương, dựng xây Tổ quốc; nhiều học sinh đã trở thành những nhà khoa học, là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh. 

Sau ngày thống nhất đất nước, giữa muôn vàn bề bộn, khó khăn, từ một nền giáo dục phiếm diện; đội ngũ những người cán bộ quản lý giáo dục, những nhà giáo từ miền Bắc tăng viện, từ vùng giải phóng xuống đã tiếp quản và chung sức xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. 

Tuy còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết; song, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và sự đóng góp tích cực của nhân dân, ngành giáo dục đã từng bước vượt qua khó khăn. Đến nay, hệ thống trường học từng bước được hoàn thiện, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường ở các cấp học đều tăng. Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, nhà công vụ giáo viên từng bước ổn định. Ngành đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng và cơ bản hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường các biện pháp quản lý, khắc phục một bước bệnh thành tích trong giáo dục. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh trúng tuyển đại học ngày càng tăng cao. 

Những thành tựu mà ngành giáo dục Quảng Ngãi đạt được hôm nay đã ghi đậm dấu ấn, công lao của biết bao thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo của ngành giáo dục đào tạo qua nhiều giai đoạn lịch sử. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp tích cực của cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ đã dày công xây dựng để có được như ngày hôm nay.

Kính thưa quý vị đại biểu.

Kính thưa quý thầy cô giáo.

Phát huy những thành tựu của các thế hệ lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ; đội ngũ cán bộ, công chức ngành đang tiếp tục nỗ lực thi đua để không ngừng phát huy thành quả mà trước đây các đồng chí đã từng vun đắp, đã dày công xây dựng. Tôi mong rằng, các đồng chí dù đã nghỉ hưu song với kinh nghiệm quý báu của mình, trong những điều kiện cụ thể sẽ cố gắng tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà vì những kiến thức, kinh nghiệm của các đồng chí vẫn là kho tàng tri thức vô giá cho thế hệ con cháu trong gia đình, tộc họ và cộng đồng địa phương. Mỗi ý kiến đóng góp của các đồng chí sẽ là một lời nhắn nhủ chân tình, là lời sẻ chia những bài học kinh nghiệm đã được tích luỹ của cả cuộc đời nhà giáo để giúp cho các thế hệ nhà giáo hôm nay, mai sau vững bước đi lên.

Thưa các đồng chí.

Qua 70 năm xây dựng, phát triển, nền giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Quảng Ngãi nói riêng đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của tỉnh nhà vì lực lượng lao động của toàn xã hội đều là sản phẩm của giáo dục trực tiếp tạo ra. Bước vào giai đoạn mới, sự phát triển giáo dục phải đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Xã hội đang đòi hỏi ngành giáo dục phải đào tạo ra những người lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giáo dục phải tự đổi mới mình để tiếp tục phát triển. 

Hơn ai hết, ngành Giáo dục và Đào tạo phải là đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh về tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống giáo dục toàn tỉnh thực hiện tốt Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, kiến thức pháp luật và ý thức công dân; xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, có tính hợp tác cao, khẳng khái, khoan dung, thân thiện, năng động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá.

Để hiện thực hóa tinh thần cốt lõi của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tôi yêu cầu lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh nhà phải tập trung thực hiện các nội dung cơ bản sau:

Một là, toàn ngành từ cán bộ quản lý đến giáo viên phải thay đổi nhận thức, tiếp cận tinh thần đổi mới của NQ 29 về giáo dục trên tất cả phương diện từ quan điểm giáo dục, phương pháp giảng dạy đến cách thức kiểm tra, đánh giá và thi cử; đẩy mạnh chuyển đổi quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chuyển đổi từ cách dạy học áp đặt một chiều, thầy đọc trò chép sang phương pháp dạy học tích cực, phương pháp tích hợp, liên môn, áp dụng mô hình trường học kiểu mới… nhằm phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện để học sinh trở thành chủ thể của quá trình giáo dục; cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng phải chuyển từ việc kiểm tra kiến thức đã học theo kiểu ghi nhớ, học thuộc lòng sang quá trình đánh giá năng lực của người học, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.

Hai là, trên cơ sở tư duy đổi mới nhận thức về giáo dục, lãnh đạo ngành chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng các yêu cầu, các tiêu chí cụ thể về đổi mới căn bản từ nội dung, phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá; đồng thời xây dựng đồng bộ bộ tiêu chí cho công tác tuyển dụng mới tránh việc phải bồi dưỡng, đào tạo lại sau tuyển dụng, gây lãng phí ngân sách và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.  

Ba là, đẩy mạnh giao lưu và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Ngành GD-ĐT cần chủ động đề xuất, tham mưu và triển khai các chương trình hợp tác, trao đổi giáo dục với các trường, cơ sở giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến như các mô hình giáo dục “song hành”, các hình thức trao đổi, giao lưu giáo viên và học sinh, chủ động mời các giáo viên nước ngoài có trình độ chuyên môn và ngôn ngữ tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực này cần nghiên cứu khía cạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia, đóng góp của người dân và phụ huynh học sinh.

Bốn là, lãnh đạo ngành cần xây dựng quy chế có lộ trình rõ ràng về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ tin học trong công tác giảng dạy và quản lý; đồng thời quản lý hiệu quả các trang thiết bị và phương tiện giảng dạy đã mua sắm tuyệt đối không để tình trạng mua sắm trang thiết bị nhưng không sử dụng, hoặc không phát huy hiệu quả công năng của thiết bị cũng như hiệu suất sử dụng quá thấp gây lãng phí đầu tư và làm suy giảm chất lượng giáo dục.   

Thưa quý thầy cô giáo  và quý vị đại biểu.

Trong suy nghĩ và mong muốn của Nhân dân là thầy giáo, cô giáo luôn là tấm gương chuẩn mực của cuộc sống; người thầy giáo không chỉ nắm đạo lý, mà hơn thế còn là người truyền đạo lý cho mọi người, cho các thế hệ học trò để họ có năng lực giúp ích cho đời, cho nhân dân, cho đất nước. 

Là những người công tác tại cơ quan quản lý giáo dục cao nhất tỉnh, là những nhà giáo Ưu tú, tôi tin và luôn mong rằng các đồng chí sẽ luôn xứng đáng với trọng trách và vinh dự cao quý của mình.

 Bác Hồ đã khẳng định: Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Tôi mong rằng toàn thể cán bộ, công chức của ngành tiếp tục sẽ là lực lượng tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ đột phá về đào tạo nguồn nhân lực trong sự nghiệp trồng người.

Kính chúc quý thầy giáo, cô giáo, quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.

Xin chân thành cảm ơn./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.