Đầu tư cho con cái

03:11, 02/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiến sĩ Alan Phan (vừa mới qua đời tại Mỹ) là một chuyên gia cao cấp về kinh tế, nhưng ông vẫn thường quan tâm tới các vấn đề xã hội. Trước khi mất, trong một bài viết của mình, ông đề cập tới chuyện giáo dục và đầu tư cho con cái. Đầu tư đầu tiên, theo tiến sĩ Alan Phan, là đầu tư…tình yêu: “ Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái càng nhiều thì đứa con càng có nhiều cơ hội trở thành người tốt”. Và, trở thành người tốt là mục tiêu đầu tiên của cha mẹ khi mong ước cho con cái, chứ không phải sự thành đạt hay tiền bạc. Nhưng muốn con trưởng thành, thì đầu tư vào giáo dục phải là kênh đầu tiên.

Trong 8 kênh đầu tư theo lời khuyên của tiến sĩ Alan Phan, kênh đầu tư vào giáo dục được ông xếp hàng đầu. Ông lý giải cho điều này như sau:“Một tài sản mà chúng ta không thể mất được khi còn sống là tài sản trí tuệ. Một quyết định đầu tư vào giáo dục sẽ đem lại cho bạn, gia đình bạn hay những người thân yêu một tỷ lệ hoàn trái (ROI – return on investment) khoảng 67% mỗi năm, liên tục trong vài chục năm khi bạn có tài sản này. Không một kênh đầu tư nào khác có thể qua mặt con số ROI này trong bất cứ tình trạng kinh tế nào”.

Tôi không phải nhà kinh tế nên không thể tính toán kết quả cụ thể như tiến sĩ Phan, nhưng sự trải nghiệm cho tôi biết, đúng là đầu tư vào giáo dục là kênh đầu tư không mạo hiểm, nhưng mang lại nhiều lợi ích lâu bền nhất. Chỉ có điều, đầu tư vào giáo dục cho con cháu mình như thế nào? Tôi có đứa cháu nội, và tôi quyết định đầu tư cho cháu học tiếng Anh tại một Trung tâm Anh ngữ từ khi cháu học lớp 3. Bởi tôi nghĩ, nếu có được Anh ngữ như một công cụ ngôn ngữ hữu hiệu, khi lớn lên cháu tôi sẽ có cơ hội tiếp xúc với thế giới nhiều hơn.

Tôi biết, ở Philippines, những người giúp việc đều được đào tạo rất bài bản, trong đó kỹ năng tiếng Anh của họ là rất tốt. Mục đích chỉ giúp họ khi đi làm nghề giúp việc ở nước ngoài, họ giao tiếp dễ dàng với chủ nhà và con cái nhà chủ, cũng như với xã hội sở tại mà không phải dùng “ngôn ngữ động tác”. Với nhiều nhà giàu có ở Việt Nam bây giờ, họ thuê người giúp việc Philippines với mức lương tháng hàng nghìn USD trở lên, để ngoài những công việc thường ngày, người giúp việc còn là cô giáo dạy Anh ngữ cho con cháu họ.

Dạy và học trực tiếp như vậy, những đứa trẻ sẽ thuần thục kỹ năng nói và nghe tiếng Anh từ khi còn nhỏ, và điều đó giúp chúng có sự tự tin lớn khi học lên cao. Tôi thực sự khâm phục những phụ nữ giúp việc người Philippines, và nghĩ: Nếu con cháu mình được là những người giúp việc cao cấp như thế, thu nhập cao và ổn định như thế, công việc hài hòa giữa lao động chân tay và lao động trí óc như thế, làm sao mình không hãnh diện? Bởi thế, trong thời đại này rất cần phải giỏi tiếng Anh. Và tôi lại nhớ lời dặn dò trước lúc đi xa của tiến sĩ Alan Phan: “Với những bạn nhiều may mắn, có đầy đủ vật chất và phương tiện, hãy cố gắng hơn nữa với trí tuệ sáng tạo và tinh thần thanh cao.

Nghĩ đến những người kém may mắn, tập cách chia sẻ và hành xử mọi chuyện với chuẩn mực đạo đức và văn minh. Những kẻ xấu có thể đang thắng, nhưng cuối cùng, thế giới sẽ thuộc về những con người thiện tâm và hài hòa.”

THANH THẢO
 


.