Bổn phận người lớn ở đâu?

09:11, 16/11/2015
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Nhiều đại biểu quốc hội đã tỏ ra quá ngạc nhiên về dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), có đại biểu còn thổ lộ mình đã “hết hồn” khi đọc những “bổn phận” của trẻ em được quy định trong dự luật này. Tôi thì nghĩ, có lẽ những người soạn bộ dự thảo luật (sửa đổi) đã… nhầm, khi nghĩ trẻ em là từ… 16 tuổi trở lên.

Vì chỉ ở độ tuổi đó, thì  từ điều 38 đến điều 41 của dự luật mới quy định hàng chục bổn phận của trẻ em, như có trách nhiệm với bản thân đến góp phần xây dựng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Tổ quốc VN; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đoàn kết, hợp tác với bạn bè quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngoài ra, trẻ em còn có bổn phận giữ gìn trật tự xã hội, an ninh công cộng, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... Thực ra, ngay ở độ tuổi 16-18 tuổi, thì quy định như thế về “bổn phận” các em cũng là quá… cỡ thợ mộc rồi. Còn với độ tuổi từ 1 tới 15 tuổi chẳng hạn, thì quy định như thế chỉ khiến người ta lắc đầu và… cười, không còn biết nói sao nữa!

“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan” (Bác Hồ). Biết ăn ngủ, với trẻ em, cũng là “bổn phận” rồi. Còn biết học hành, tùy độ tuổi, là “ngoan”. Chăm sóc dạy dỗ trẻ em là bổn phận của người lớn, lẽ ra trong dự thảo nên nêu bật những bổn phận của người lớn đối với trẻ em, hơn là nêu “bổn phận” của trẻ em với những gì mà ở độ tuổi các em là không thực tế.

Ngay với trẻ em từ độ tuổi 6 tới 13 tuổi bây giờ, đi học còn ngồi sau xe của phụ huynh chở đi, thì quy định về an toàn giao thông là dành cho… phụ huynh, chứ không phải cho trẻ em. Cũng không ai bắt trẻ lên ba phải nói… yêu nước, trừ huyền thoại Thánh Gióng. “Đọc các quy định về bổn phận trẻ em mà tôi mừng quá vì mình đã qua tuổi trẻ em với nhiều bổn phận quá, nhiều hơn cả đoàn viên thanh niên.” ĐB Phạm Khánh Phong Lan hài hước. Nhân đây cũng xin nói, khi viết bất cứ dự thảo luật nào, những người làm luật cũng cần có sự cẩn trọng đặc biệt, vì nên nghĩ tới chuyện “bút sa…”.

Đừng viết lấy có, khi nghĩ cứ đưa ra cho ĐB quốc hội thảo luận rồi hãy… sửa sau. Hãy hỏi ngay những người soạn dự thảo luật, làm thế nào để “giữ gìn bản sắc dân tộc”, tôi chắc nhiều người trong số họ sẽ lúng túng, vì không biết phải trả lời thế nào cho đầy đủ. Vậy thì làm sao lại quy định cho trẻ em, dù là “trẻ lớn” ở độ tuổi 16, phải trả lời được “bổn phận” đó?

Trong khi những vấn đề bức xúc của trẻ em lại không được thể hiện trong dự luật này, những vấn đề mà ĐB Phong Lan đã nêu ra rất cụ thể, như chuyện... dạy bơi cho trẻ em, đề phòng những rủi ro sông nước. Đó là chuyện sống còn đối với trẻ em ở độ tuổi từ 6-7 tuổi trở lên. Hãy cụ thể và thiết thực như thế, khi chứng tỏ mình đang quan tâm tới trẻ em, đừng “đao to búa lớn” những chuyện mà các em không biết, và chính người lớn cũng chưa rành.

Nếu nói bổn phận, thì nên nhấn mạnh tới bổn phận của người lớn, của các bậc phụ huynh, của toàn xã hội đối với trẻ em. Trẻ em ở nước ta chưa phải đã được sống trong “thiên đường”, nhưng ngay trong những hoàn cảnh sống cụ thể, sự phân biệt giàu nghèo đã phủ bóng đen xuống cuộc đời nhiều đứa trẻ sinh ra trong những gia đình nghèo khó. Những đứa trẻ được chăm sóc tốt nhất bây giờ đều ở những gia đình khá giả. Mà tỉ lệ những gia đình khá giả so với toàn xã hội còn ở mức rất khiêm tốn.
 
Dự thảo luật phải bao trùm toàn bộ trẻ em Việt Nam với những vấn đề thiết cốt của nó, chứ không phải chỉ “một bộ phận trẻ em”./.
 

.