Còn đâu, "Đám lá tối trời"!

10:09, 18/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi viếng cụm tượng đài “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” rất uy nghi tại thị trấn Cần Giuộc, tôi lên đường về Gò Công, đi thẳng xuống Vàm Láng với mục đích thăm lại “Đám lá tối trời”, nơi vị Anh hùng dân tộc Trương Định (người quê Tịnh Khê-Quảng Ngãi) từng xây dựng chiến khu chống Pháp ngay thời kỳ đầu Pháp xâm lược Việt Nam. Không chỉ mình tôi, những người Quảng Ngãi mỗi khi có dịp về Gò Công đều mong được tới thăm địa danh lịch sử này.

Gọi “Đám lá tối trời” vì đây nguyên là rừng dừa nước mênh mang và rậm rạp, những ai vào rừng dừa này đều bị lá dừa che khuất không thể thấy mặt trời. Tôi tới Vàm Láng buổi chiều, trời nặng mây. Hiện ra trước tôi một vùng đất rộng mênh mông, nhưng chỉ còn rất ít cây dừa nước. Vùng dừa nước còn lại ngay “Đám lá tối trời” ngày trước chỉ khoảng vài ba héc-ta, cây dừa thấp nhỏ vì đây là dừa nước thứ sinh, tái sinh, nên không thể nào “giơ tay che mặt trời”. Đập vào mắt tôi giờ đây là khu vực của một công ty dịch vụ dầu khí nào đó. Họ san phẳng cả một khoảng rừng dừa nước lớn, đổ đất làm nền và đặt những bể chứa dầu. Nếu những người thiết tha với lịch sử chống giặc cứu nước của cuộc khởi nghĩa Trương Định mà về đây, nhìn thấy cảnh này, chắc sẽ đau lòng lắm.

“Đám lá tối trời” đã bị xóa không thương tiếc, và những cánh chim cuối ngày chợt bơ vơ bay trên nền trời xám. Ước mơ vùng căn cứ khởi nghĩa này trở thành điểm du lịch mang tên “Đám lá tối trời” của tôi và những người cùng đi với tôi bỗng như hụt hẫng. Khi chúng tôi trở về viếng nhà thờ  Anh hùng dân tộc Trương Định, nỗi buồn vẫn chưa rời bỏ chúng tôi. Chợt nhớ rừng dừa nước nơi quê Cụ Trương Định ở Tịnh Khê (Sơn Mỹ) từ nhiều năm trước cũng đã bị chặt phá tơi bời để biến thành hồ nuôi tôm, khiến dòng sông Kinh như nghẽn lại. Năm 1977, tôi đã cùng một người bạn về thăm “Đám lá tối trời” ở Vàm Láng. Khi đó mới hòa bình chưa lâu, “Đám lá tối trời” gần như còn nguyên vẹn đúng như tôi đã đọc được trong sách sử.

Còn bây giờ… Thắp hương trước ban thờ vị Anh hùng dân tộc, chúng tôi phần nào nguôi ngoai khi nhìn thấy hai vòng hoa viếng của Quảng  Ngãi: Một của Hội đồng Nhân dân tỉnh, một của đảo Lý Sơn. Con cháu Quảng Ngãi đã luôn có mặt bên ban thờ của người Quảng Ngãi vĩ đại Trương Định, và càng thấm thía với từng câu chữ trong kiệt tác “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà thơ mù vĩ đại Nguyễn Đình Chiểu. Đừng bao giờ để mất niềm tự hào về cha ông mình, như đã để mất đi cả một “Đám lá tối trời”-nơi nhóm lên ngọn lửa của lòng yêu nước từ hơn 150 năm trước. Tôi rời Vàm Láng-Gò Công Đông với những buồn vui lẫn lộn. Vui vì người Quảng Ngãi, người Gò Công, người Cần Giuộc không bao giờ quên Trương Định. Buồn vì “Đám lá tối trời” đã gần như không còn dấu tích.              

Thanh Thảo
 


.