Xây dựng thành phố năng động và thân thiện

09:08, 09/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quyết tâm xây dựng, phát triển TP.Quảng Ngãi trở thành đô thị “năng động và thân thiện” đã đi vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP.Quảng Ngãi. Để quyết tâm này thành hiện thực, trước hết, nên tham khảo một cách làm, một hướng đi của TP.Đà Nẵng rất gần chúng ta. Đà Nẵng vừa nhận được tài trợ của CHLB Đức về dự án “Quy hoạch nhanh - quản lý cơ sở hạ tầng, môi trường và nguồn tài nguyên bền vững tại các thành phố năng động”.
 

Dự án được thực hiện bởi Liên hiệp các tổ chức công tư của CHLB Đức với sự tài trợ của Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức và UN-Habitat. Mục tiêu chung là sử dụng tối ưu các nguồn lực giữa các lĩnh vực hạ tầng khác nhau, từ đó làm cho việc quy hoạch hạ tầng tại các thành phố tăng trưởng nhanh được nhanh hơn và hiệu quả hơn vì lợi ích của người dân”.

Tôi thấy, mục tiêu của dự án này rất phù hợp với TP.Quảng Ngãi trên đường phát triển.

“Tập trung vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị cơ bản, bao gồm năng lượng, nước, nước thải, chất thải rắn, nông nghiệp đô thị…”-mục tiêu đó là rõ ràng với bất cứ đô thị đang phát triển nào. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị cơ bản, hai yếu tố ấy muốn thực hiện được đồng bộ phải cần tới nguồn vốn đầu tư và nguồn chất xám tương thích, hai yếu tố mà TP.Quảng Ngãi đang thiếu. Và đó là hai yếu tố phải có cùng lúc.

Có tiền mà thiếu chất xám để sử dụng cũng không tạo nên cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị cơ bản. TP.Quảng Ngãi lâu nay đang được mở rộng, nhưng có bề rộng lại cần phải có chiều sâu. Chiều sâu ấy nằm ở dịch vụ đô thị cơ bản. Thiếu cái này thì không thể xây dựng nên một thành phố năng động. Tôi nghĩ, quy hoạch Quảng Ngãi là quy hoạch thành phố mở, nó tạo rất nhiều khoảng rộng cho những người có khả năng sáng tạo. Có thể mời những chuyên gia về các lĩnh vực tương ứng về giúp Quảng Ngãi, có thể thu hút người tài về làm việc cho Quảng Ngãi.

Với dự án của Đà Nẵng, họ triển khai nhiệm vụ giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu tại khu vực đô thị thành phố, thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, tích hợp với quản lý nguồn nước. Cụ thể, dự án của họ “sẽ đánh giá áp lực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng và phát triển vùng ven biển lên các cấu trúc bảo vệ tự nhiên và hướng đến xây dựng các biện pháp bảo vệ hiệu quả cho hệ thống quy hoạch đô thị. Dự án có sự liên kết với việc ổn định bờ sông, bảo vệ đường bờ biển, quản lý hồ điều hòa và các lĩnh vực khác như quản lý chất thải và ủ phân vi sinh, nông nghiệp đô thị, không gian công cộng và phủ xanh mái nhà...”.

Tôi thấy, những nhiệm vụ này đều phù hợp với TP.Quảng Ngãi, một thành phố có vành đai nông nghiệp khá rộng lớn bao quanh. Một đô thị năng động là một đô thị biết mình có gì và biết mình muốn gì. “Có gì” là thực lực, và “muốn gì” không chỉ là khát khao, mà là kế hoạch, là đề án phải vươn tới thực hiện cho bằng được. Cái đó liên quan tới cả việc bố trí cán bộ và tổ chức những cơ quan làm việc năng động và hiệu quả.

Về phần người dân, một thành phố năng động cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của người dân, dĩ nhiên thành phố phải tạo những điều kiện tốt nhất để người dân năng động làm ăn.

Còn để trở thành một thành phố thân thiện, thì cả thành phố và người dân đều phải trang bị cho mình một nền tảng văn hóa ứng xử. Thân thiện là phải rộng mở tấm lòng, phải biết vị tha, phải vì người khác, chứ không chỉ biết bo bo cho mình. Chỉ riêng văn hóa ẩm thực, là cái “nhỏ mà lớn”, Quảng Ngãi còn phải cố gắng rất nhiều, phải biết dựa vào thế mạnh ẩm thực dân dã của chính địa phương mình để nâng nó lên thành “đặc sản”. Chỉ một cái đó thôi, làm tốt, cũng đã góp phần đáng kể cho Quảng Ngãi trở nên “thành phố thân thiện”.    
 
Thanh Thảo
 

.