Thêm một trung tâm nhân ái

02:08, 22/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà báo quá cố Võ Hồng Sơn-nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng-là người quê Nghĩa Hành. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, vợ anh Sơn-là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM, người quê Tây Ninh. Nhưng tấm lòng của họ không phân biệt vùng miền, là tấm lòng người Việt Nam biết thương đồng bào mình.

Bắt đầu từ 4.600m2 đất do gia đình nhà báo Võ Hồng Sơn tặng, cộng với biết bao tấm lòng vì trẻ em khuyết tật của Quảng Ngãi, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật mang tên Võ Hồng Sơn đã được xây dựng và vừa làm lễ khánh thành tại Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Đây là một Trung tâm được lập ra hoàn toàn trên tinh thần thiện nguyện và sự góp của, góp công từ xã hội, chưa phải dùng tới một đồng tiền ngân sách nhà nước. Với kế hoạch dự trù nuôi dạy từ 100 tới 150 trẻ khuyết tật Quảng Ngãi, Trung tâm hiện đang nuôi dạy 70 em. Con số ấy sẽ tăng lên rất nhanh, khi những gia đình có con em khuyết tật biết được thông tin này.

Tôi đã tới thăm Trung tâm, gặp gỡ các em học sinh khuyết tật đang được nuôi dạy tại đây, gặp gỡ các thầy cô giáo đang ngày ngày chăm sóc nuôi dạy các em. Đúng là chỉ có tinh thần thiện nguyện mới kéo được những cô giáo đang dạy ở TP.HCM, ở Đà Nẵng về với Trung tâm này. Trong khi Trung tâm chỉ mới có khả năng trả lương phần cứng cho các thầy cô, không có phần phụ cấp 75% lương như các thầy cô dạy ở các Trung tâm khuyết tật của Nhà nước. Khi tôi xuống nhà bếp, xem bảng thực đơn hằng ngày cho bữa cơm các em, nhìn hai cô “chị nuôi” đang vất vả nấu nướng, mới thấm thía câu ca này “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”.

“Bầu” ở đây là các thầy cô giáo, là thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Sơn-nguyên Phó Chủ tịch  UBND tỉnh Quảng Ngãi-còn “bí” dĩ nhiên là các em bé khuyết tật đang được sống một cuộc sống tuy giản dị nhưng rất đầy đủ ở đây, từ vật chất tới tình cảm. Với trẻ em, nhất là các em chịu thiệt thòi khuyết tật, thì vật chất không chưa đủ. Các em còn rất cần, rất khát khao tình yêu thương, đó mới là động lực cho các em vươn lên trong cuộc đời đầy trở lực. Nhưng các em hồn nhiên lắm, vui lắm khi được sống ở Trung tâm này. Phòng học, phòng dạy nghề, phòng ngủ, sân chơi, bếp ăn…tất cả đều sẵn sàng, đều sạch sẽ và hết sức thân thiện với các em.

Các thầy cô giáo vừa có kỹ năng dạy dỗ các em (ở đây đúng là vừa “dạy” vừa “dỗ”) vừa có tấm lòng thực sự yêu thương các em. Không có tấm lòng này thì không có Trung tâm, không có ngày khai giảng tưng bừng vui tươi, không có “ngày ra trường” tương lai, khi các em đã trưởng thành và tự tin vì có tay nghề có thể tìm được việc làm cho mình giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn này.

Tôi muốn nói lời cảm ơn gia đình cố nhà báo Võ Hồng Sơn, cảm ơn chị Thu Hà, cảm ơn những tấm lòng hảo tâm khắp cả nước đã nhiệt tình và nhiệt huyết ủng hộ Trung tâm nhân ái này. Và tôi cũng xin có một đề nghị: Để Trung tâm phát triển một cách bền vững, thì ngoài sự đóng góp của cộng đồng, còn rất cần cơ chế bảo bọc của Nhà nước. Trước hết, Nhà nước có thể đảm nhận phần trả lương cho các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên của Trung tâm (khoảng 20 người), để họ an tâm công tác. Đây có thể được coi là một Trung tâm “bán công”, trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH ở “phần cứng”, còn sự đóng góp của cộng đồng, của những nhà hảo tâm sẽ là “phần mềm” giúp cho Trung tâm phát triển thật bền vững.         
 

Thanh Thảo
 


.