Học Văn để làm gì?

07:07, 19/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được biết, hiện nay có một số phụ huynh học sinh không muốn con em mình ham thích môn Văn. Thậm chí có phụ huynh còn ngăn cản khi con mình muốn thi vào chuyên Văn lớp 10 hay thi vào đại học Khoa học xã hội nhân văn. Nhân chuyện này, tôi đã hỏi một PGS-TS đang giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM, rằng nghe nói từ mấy năm trở lại đây, các sinh viên khoa Văn học của trường khi tốt nghiệp đã có tỷ lệ xin được việc làm khá cao?  

Vị Phó GS-TS Văn học đã trả lời tôi: “Đúng như thế, anh ạ. Sở dĩ các em tốt nghiệp khoa Văn dễ xin việc làm vì văn học trao cho các em một kiến thức đa năng, để ở mức độ nào đó, có thể “ứng vạn biến”. Các nhà tuyển dụng thường “OK” với những ứng viên khi họ có thể đáp ứng nhanh một số kỹ năng làm việc, từ việc soạn thảo văn bản tới viết báo cáo, viết tổng kết mạch lạc và không... sai chính tả. Từ những công việc mang tính văn phòng như thế, cộng với khả năng ngoại ngữ được học khá kỹ trong nhà trường, sinh viên tốt nghiệp khoa Văn có thể tiến lên làm trợ lý cho “sếp” và con đường thăng tiến trong công việc, trong nghề nghiệp của các em là khá rộng rãi.

Đó mới là phần “thực dụng” mà văn học có thể mang lại cho người trẻ. Phần quan trọng hơn, văn học góp phần làm nên và phát triển nhân cách con người. “Văn học là nhân học” ở chỗ, nó kiên trì và thầm lặng trao cho người học nó, đọc nó những trải nghiệm mà một cuộc đời khó lòng trải qua hết. Mỗi nhà văn, nhà thơ giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người. Văn học luôn là bạn của con người, nó tồn tại chính nhờ vị trí khiêm nhường mà không thay thế được ấy.

Có thể từ nhiều năm nay, chương trình văn học trong sách giáo khoa chưa thể hiện được, đó là tinh túy của văn học trong nước và thế giới. Nhưng chương trình đã và đang thay đổi theo hướng ngày càng tích hợp được những giá trị thực chất của văn học, để mang tới cho người học niềm hứng thú khi học bộ môn này.

Nhưng nếu học sinh chỉ học văn học từ sách giáo khoa thì quả là hết sức thiếu hụt. Thế giới sách đang mở ra mênh mông kia mới là nơi mà học sinh và sinh viên cần hướng tới để khám phá, đọc và suy ngẫm, tùy theo độ tuổi của mình. Không một phương tiện kỹ thuật cao nào có thể thay thế được những quyển sách (dù là sách in hay ebook) bình dị. Nếu học sinh Việt Nam, ngay từ nhỏ, đã được đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài và “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, thì khi lớn lên, trong tâm hồn các em sẽ có rất nhiều chỗ cho lòng nhân ái, sự can đảm và tình yêu đất nước.
Văn học là như vậy và chỉ là như vậy.  

Thanh Thảo
 


.