Chất vấn và trả lời chất vấn: "Nóng" các dự án chậm tiến độ, phá rừng, khai thác cát trái phép

09:07, 14/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 14.7, kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XI bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Xử lý các dự án chậm tiến độ, tình trạng phá rừng, khai thác cát trái phép... là những vấn đề được đại biểu quan tâm chất vấn các cơ quan chức năng.
 
 
Chủ trì điều hành phiên chất vấn.
Chủ trì điều hành phiên chất vấn.

 

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD-ĐT hỏi: Tính đến thời điểm cuối năm 2014, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất còn có 14 dự án chậm tiến độ, trong đó 6 dự án đã xem xét gia hạn tiến độ, 8 dự án đã đề xuất hướng xử lý, nhưng nguyên nhân vì sao gia hạn nhiều lần nhưng các nhà đầu tư vẫn không thực hiện đầu tư dự án.

 
Đại biểu Đoàn Dụng.
Đại biểu Đoàn Dụng.
Có 3 dự án đã đề xuất hướng xử lý nhưng tiến độ xử lý không có gì tiến triển (Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Sài Gòn – Quảng Ngãi, Nhà máy may XK Việt Mỹ, Khu dân cư Thiên Tân); Có 3 dự án đã được gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chậm tiến độ và chưa xác định cụ thể thời gian giải quyết dứt điểm như: Cụm giáo dục Quốc tế Mầm non – Tiểu học – Trung học cơ sở Hoàng Gia (chậm so với tiến độ trong GCNĐT cấp lần đầu là 78 tháng, chậm so với tiến độ điều chỉnh lần cuối là 18 tháng).
 
Trung tâm khách sạn nhà hàng và dịch vụ tổng hợp (chậm so với tiến độ trong GCNĐT cấp lần đầu là 90 tháng, đã được điều chỉnh tiến độ 4 lần, chậm so với thời gian gia hạn lần cuối là 24 tháng); Nhà máy Công nghiệp nặng Kumwoo – Dung Quất (chậm so tiến độ trong GCNĐT cấp lần đầu là 66 tháng, đã được điều chỉnh tiến độ 4 lần, chậm so với gia hạn lần cuối là 18 tháng). Vậy khi nào giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ nêu trên?
 
Trà lời vấn đề trên, ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất cho rằng: Đối với dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Sài Gòn -Quảng Ngãi. Công ty CP Đầu tư phát triển Sài Gòn - Dung Quất, thời gian qua do vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB.
 
Bên cạnh đó, Nhà đầu tư chưa thật sự quyết tâm và chưa phối hợp tốt để xử lý những vướng mắc. Ban Quản lý KKT Dung Quất đã làm việc và yêu cầu Nhà đầu tư (lãnh đạo Tập đoàn Sài Gòn Invest) trực tiếp đăng ký làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để báo cáo chi tiết về tình hình thực hiện dự án, xin ý kiến chỉ đạo về một số nội dung liên quan đến dự án; đồng thời, có văn bản khẳng định quyết tâm đầu tư, đưa ra tiến độ triển khai cụ thể, chứng minh năng lực tài chính triển khai thực hiện dự án.
 
Ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất
Ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất
Trường hợp, hết tháng 7.2015 mà nhà đầu tư không đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi hoặc UBND tỉnh không đồng ý tiếp tục triển khai dự án, Ban Quản lý KKT Dung Quất sẽ quyết định thu hồi GCNĐT vào quý III /2015.
 
Đối với 3 dự án đã được gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chậm tiến độ và chưa xác định cụ thể thời gian giải quyết dứt điểm: Các dự án này, Ban Quản lý KKT Dung Quất đã có Văn bản tạm dừng đầu tư. Chủ đầu tư tự  bảo quản tài sản đã đầu tư trên đất. Khi có nhà đầu tư mới đăng ký đầu tư vào vị trí này, hai bên sẽ tự thỏa thuận hoặc Ban Quản lý KKT Dung Quất sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
 
Nhà máy may XK Việt Mỹ, của Công ty TNHH may mặc XK Việt Mỹ. Đây là Dự án đã đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả nên đã bị ngân hàng thu hồi và chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Trong quá trình chuyển nhượng, trình tự, thủ tục và điều kiện thực hiện chuyển nhượng dự án không đảm bảo, nên DQS chưa có quyền sử dụng đất.
 
Sở TNMT đang tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý các tồn tại liên quan đến quyền sử dụng đất chuyển nhượng dự án từ Ngân hàng sang DQS. Sau khi giải quyết xong thủ tục về đất, nếu Nhà máy không hoạt động thì xử lý theo kênh phá sản  (do Tòa án giải quyết).  
 
Đối với dự án Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân. Ban Quản lý đã nhiều lần mời chủ đầu tư đến dự họp để hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục Dự án theo quy định để được cấp chấp thuận đầu tư Dự án, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở và hồ sơ Dự án theo yêu cầu.
 
Trong tháng 7.2015, Ban Quản lý KKT Dung Quất sẽ mời chủ đầu tư đến làm việc bằng biên bản theo hướng: Nếu nhà đầu tư thiện chí, quyết tâm thì tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thực hiện. Nếu nhà đầu tư không quyết tâm thì lập đầy đủ các thủ tục, cam kết để kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi Quyết định giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.   
 
Đối với dự án Nhà máy thép Quảng Liên, sau nhiều trì hoãn, đến nay, chủ dự án đã xin tạm dừng. Hiện có 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ý định đầu tư vào đây.
 
Ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cho biết thêm, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có đủ cơ sở để tạm dừng và thu hồi dự án Nhà máy thép Quảng Liên và Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sài Gòn- Quảng Ngãi. Dự án nhà máy thép Quảng Liên, đến nay chủ đầu tư đã có văn bản chính thức rồi. Về mặt pháp lý đã đảm bảo thu hồi, chấm dứt dự án này. 
 
Bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với gần 1.000 ha đất của các dự án bị bỏ hoang ở Khu Kinh tế Dung Quất trong nhiều năm liền. Tính ra, mỗi năm nông dân mất khoảng 65 tỷ đồng do không có đất sản xuất. Do vậy, HĐND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kiên quyết thu hồi, tạo môi trường đầu tư lành mạnh trong thời gian đến
 
Đại biểu Hà Thị Anh Thư
Đại biểu Hà Thị Anh Thư
  Liên quan đến vấn đề các lâm trường và vi phạm rừng và đất rừng, đại biểu Hà Thị Anh Thư- Bí thư Tỉnh đoàn chất vấn: Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 18/2012/NQ-HĐND ngày 05/10/2012 về việc thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2020. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nông lâm trường, doanh nghiệp được giao đất, giao rừng nhưng quản lý, sử dụng không hiệu quả; tình trạng chặt phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để lấy gỗ, lấy đất sản xuất, như: chặt phá rừng thông ở Ba Tơ; khai thác, tận thu 122m3 gỗ đại thụ ở Trà Thọ, Tây Trà….
 
Tình trạng người dân chiếm dụng đất, tranh chấp đất rừng diễn biến phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị cho biết việc triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh đến đâu, kết quả như thế nào? Nguyên nhân vì sao để xảy ra tình trạng trên? Trách nhiệm thuộc về ai? Hướng chỉ đạo, xử lý trong thời gian đến?
 
Trả lời vấn đề này, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho rằng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và các Bộ ngành liên quan về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lập Phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty Nông, Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo đó đề xuất với UBND tỉnh một số nội dung như:
 
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT.
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT.
Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô: tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển 100% vốn nhà nước; thực hiện nhiệm vụ công ích theo quy định của pháp luật.  Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân: giải thể hoặc phá sản, theo các thủ tục, trình tự hiện hành của Nhà nước.
 
Đối với Công ty TNHH MTV 24/3 Quảng Ngãi: thực hiện chuyển đổi sang mô hình Công ty Cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối. Ngoài ra, đối với những diện tích đất sử dụng không hiệu quả của các nông lâm trường, sau khi rà soát, kiểm tra Sở NN và PTNT sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND tỉnh thu hồi giao lại các địa phương lập phương án cấp đất cho nhân dân có nhu cầu sản xuất.
 
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18/2012NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi như: chặt phá rừng thông ở Ba Tơ; khai thác gỗ ở xã Trà Thọ, việc tranh chấp đất rừng trên địa bàn Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh.
 
Việc khai thác rừng thông trên địa bàn huyện Ba Tơ: trách nhiệm thuộc UBND huyện Ba Tơ đã cho phép khai thác tận dụng cây thông và cho người dân ken vỏ làm chết cây không đúng thẩm quyền theo quy định. Tình trạng khai thác rừng tự nhiên (nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp) ở Trà Thọ, huyện Tây Trà: trách nhiệm thuộc UBND xã Trà Thọ và BQL dự án Hợp phần di dân hồ chứa nước Nước trong đã thiếu chặt chẽ trong việc tổ chức giải phóng mặt bằng để giao đất cho hộ dân tái định canh đối với một số vị trí thửa đất có cây gỗ rừng tự nhiên.
 
Hiện nay, Đoàn thanh tra của Sở đang tiến hành thanh tra 2 vụ việc nêu trên để có kết luận cụ thể về trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan. 
 
Nguyên nhân xảy ra các tình trạng tranh chấp tranh chấp đất rừng tại các địa phương thời gian quan là do giá gỗ nguyên liệu trong thời gian qua tăng cao mang lại nhiều lợi ích cho người có đất trồng rừng; một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất để cải thiện thu nhập, trong khi đó các Công ty lâm nghiệp có nhiều đất nhưng sử dụng không hiệu quả; ý thức của người dân trong việc chấp hành luật bảo vệ và phát triển rừng chưa cao dẫn đến vi phạm pháp luật; công tác giao đất, giao rừng còn chậm so với kế hoạch đề ra.
 
Thời gian đến, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho từng ha đất, giảm dần trồng rừng nguyên liệu tiến đến trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Sắp xếp đổi mới các Công ty lâm nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa; thu hồi những diện tích đất của các Công ty sử dụng không hiệu quả giao cho địa phương lập phương án và cấp đất cho dân sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy nhanh hoàn thành công tác giao rừng, cho thuê rừng trong năm 2015 để công tác quản lý được tổ chức theo đúng quy định và việc hưởng lợi của người dân tham gia trồng rừng và bảo vệ phát triển rừng được thực hiện.
 
Đại biểu Thiều Quang Lĩnh.
Đại biểu Thiều Quang Lĩnh.
Liên quan đến tình trạng khai thác cát lậu, đại biểu Thiều Quang Lĩnh, đơn vị Tư Nghĩa chất vấn: Tình trạng khai thác cát chui tại các địa phương thời gian gần đây diễn ra phổ biến, nhất là tại thành phố Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức... gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm hư hỏng đường giao thông ở nông thôn, ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an ninh trật tự tại địa phương và làm thất thu ngân sách của tỉnh. 
 
Vấn đề này đã được đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XI nhưng chưa được khắc phục. Đến nay tình trạng khai thác cát chui vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ phổ biến hơn, làm cho cử tri bất bình. Trách nhiệm cụ thể cơ quan, đơn vị nào, cấp nào đã để xảy ra việc khai thác cát chui? Khi nào thì chấm dứt tình trạng nêu trên?
 
Trả lời vấn đề này, ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Về công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong năm 2015 UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở ngành, các địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra và đã lập biên bản xử lý nhiều trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.  
Ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở TN-MT
Ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở TN-MT
Tuy nhiên tình trạng khai thác cát tại các địa phương thời gian gần đây vẫn còn tiếp diễn (phổ biến, nhất là tại thành phố Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức) với hình thức khai thác thủ công, diễn biến bất thường, rất khó kiểm soát và ngăn chặn triệt để.
 
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh (do UBND tỉnh giao), trong đó có công tác phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
 
Về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND cấp huyện, cấp xã đã được qui định cụ thể tại Điều 18 của Luật Khoáng sản 2010. Để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, trong thời gian đến Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
 
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; trường hợp địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép kéo dài mà không xử lý, gây điểm nóng trên địa bàn thì chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 

.