Điều 60 Luật BHXH - Cần tuyên truyền cho tốt, sao phải sửa ngay?

10:05, 13/05/2015
.

Liên quan đến quy định tại Điều 60 Luật BHXH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Do tổ chức tuyên truyền về Luật không tốt, nên khi đụng chạm thì có phản ứng. Cho nên từ nay tới khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực (1/1/2016) thì cần phải tuyên truyền cho tốt chứ tại sao phải sửa ngay?”.

Điều 60 Luật BHXH: Người lao động được hưởng nhiều...

 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày.báo cáo của Chính phủ quy định Điều 60 Luật BHXH 2014 về BHXH 1 lần. Ảnh: VGP/Thành Chung
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày.báo cáo của Chính phủ quy định Điều 60 Luật BHXH 2014 về BHXH 1 lần. Ảnh: VGP/Thành Chung


Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ quy định Điều 60 Luật BHXH 2014 về BHXH 1 lần. Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày.


Bộ trưởng Chuyền cho biết Luật BHXH năm 2006 quy định người lao động sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết BHXH 1 lần.

Quy định này tuy tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt, nhưng khi về già không có lương hưu để bảo đảm cuộc sống, sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, bà Chuyền cho biết, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận BHXH 1 lần.

Khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc, thì tạm thời chưa giải quyết BHXH 1 lần, mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc BHXH tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già.

Bên cạnh đó, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc, thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.

Như vậy, nội dung Điều 60 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, thì một bộ phận người lao động, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ báo cáo UBTVQH kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết BHXH 1 lần, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn có nhu cầu nhận BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt.

Tuy nhiên, nếu người lao động nhận BHXH 1 lần thì khi hết tuổi lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hằng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu.

Chính vì vậy, cùng với việc sửa đổi như trên, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, bảo đảm cuộc sống khi về già để hạn chế việc hưởng BHXH 1 lần.

“Tại sao phải sửa Luật”?

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định lại rằng quan điểm, mục tiêu của Điều 60 là đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

“Đây là lưới an sinh không để người dân phải sống dưới mức tối thiểu”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Đa số các thành viên UBTVQH khi phát biểu đều đồng tình với ý nghĩa của Điều 60 và đặt ra câu hỏi tại sao chính sách tốt như vậy lại không nhận được sự đồng tình của người lao động ở một số địa phương như thời gian qua, trong khi lao động ở nhiều khu vực khác không phản ứng gì về chính sách này?

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Do tổ chức tuyên truyền về Luật không tốt, nên khi đụng chạm thì có phản ứng. Cho nên từ nay tới khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực (1/1/2016) thì cần phải tuyên truyền cho tốt chứ tại sao phải sửa ngay?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Nếu QH có sửa điều luật này thì sẽ là điều đáng tiếc”.

Các thành viên khác của UBTVQH như bà Tòng Thị Phóng, các ông Ksor Phước, Phan Trung Lý, Nguyễn Kim Khoa thì đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, báo cáo cụ thể hơn trước QH về những phản ứng của người lao động ở một số địa phương thời gian qua, cũng như đánh giá đầy đủ lợi ích, bất cập khi thực hiện theo Điều 60 để QH có điều kiện xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu Bộ LĐTBXH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam và các địa phương tiếp tục tuyên truyền lợi ích của chính sách tới đông đảo người lao động.

 

Theo Chinhphu.vn


.