Ứng xử với hai loại nông sản

09:04, 23/04/2015
.

Dưa và mía là hai loại nông sản từng giúp nông dân thoát nghèo. Hai loại cây này, nhất là cây dưa, chỉ cần trúng một vụ là người trồng dưa có thể thu về cả trăm triệu đồng. Đầu những năm 2000, nhiều gia đình nông dân ở huyện Bình Sơn và phía tây huyện Sơn Tịnh, qua hai ba vụ dưa “trúng” liên tục, họ đã thật sự đổi đời. Tuy nhiên, đầu ra cho cây dưa luôn bấp bênh, phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Năm nào phía Trung Quốc tiêu thụ mạnh thì người trồng dưa hồ hởi; ngược lại, năm nào thị trường “ấm mình” là người trồng dưa chỉ còn cách đổ bỏ hoặc cho bò ăn thay cỏ.

TIN LIÊN QUAN


Đã thế, dưa là cây ngắn ngày nhưng đòi hỏi vốn lớn. Vì vậy, người trồng dưa vừa thu về hàng trăm triệu của vụ dưa trước, nhưng liền vụ sau có thể họ trắng tay do bán không được, trong khi đã đổ vốn vào đó rất lớn. Đó là chưa kể, có những năm, thời tiết dở chứng, như vụ dưa năm nay, đang là tháng ba nhưng lụt lớn, hàng trăm ngàn tấn dưa bị hư thối ngoài đồng.

Đối với cây mía, một loại cây từng gắn với nông dân miền Trung từ thuở cha ông đi mở cõi. Cây mía không giúp cho người trồng nó “giàu nhanh” như cây dưa nhưng nó lại là cây từng nuôi sống hàng vạn gia đình nông dân, từng can dự vào mọi sinh hoạt chi tiêu của họ. Thế nhưng, hơn mười năm trở lại đây, diện tích cây mía teo tóp dần rồi mất hẳn trên những thửa ruộng đã từng tồn tại loại cây này hàng trăm năm trước đó. Lý do là người trồng mía không thể sống được với loại cây mang tính truyền thống này. Năm nào giá đường lên thì người trồng mía được lợi. Ngược lại, năm nào đường ế ẩm, giá thấp người trồng mía thu không đủ chi. Đó là lý do vì sao những cánh đồng mì và các loại cây trồng khác đã thế chỗ dần cây mía trong những năm qua.

Hai loại cây từng gắn với đời sống của nông dân, nhưng nếu cây dưa gặp “hoạn nạn” thì mọi người đều đưa vai ra gánh vác, chia sẻ với người dân. Sau nghĩa cử cao đẹp của Bộ Công thương, rồi cơ sở Đoàn ở các địa phương cùng nhiều tổ chức xã hội khác, hàng ngàn tấn dưa ở Quảng Nam và Quảng Ngãi gặp nạn trong trận lũ vừa rồi, đã được tiêu thụ phần lớn. Đó là một sự cưu mang thấm đẫm “nghĩa đồng bào” mà không phải lúc nào cũng có.

Còn cây mía thì sao? Nhiều vùng mía ở miền Trung đang cháy khô, nhưng người bán mía luôn trong tư thế "chờ" các nhà máy đường. Sự lạnh nhạt của các nhà máy đường với người trồng mía là có lý do của nó. Giá đường tụt dài, càng ép mía, các nhà máy đường càng thua lỗ. Nghịch lý ấy đã tồn tại từ nhiều chục năm nay, nhưng vẫn không gì thay đổi.

Không lẽ nông dân bỏ mía chuyển sang trồng dưa?
                           

TRẦN ĐĂNG
 


.