Thương hiệu Lý Sơn

06:03, 21/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Còn không bao lâu nữa, huyện đảo Lý Sơn sẽ tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong năm Ất Mùi 2015 này. Đây là “lệ cúng” mà người dân trên đảo đã duy trì hàng trăm năm nay nhằm tri ân những người con của đảo đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Chắc chắn năm nay, du khách sẽ đổ về Lý Sơn đông hơn mọi năm. Việc mua sắm thêm các tàu du lịch cao cấp lẫn tăng chuyến cũng như việc cải tiến phương thức hoạt động của tàu khách hai chiều Sa Kỳ-Lý Sơn đã trở thành sức hút đối với du khách để họ đến với Lý Sơn đông hơn.

Điều đáng mừng là, hòn đảo ấy không chỉ hấp dẫn người dân trong tỉnh mà nó còn “mời gọi” người dân trong cả nước. Đồng nghiệp Đỗ Doãn Hoàng của báo Lao Động vừa có chuyến đi Lý Sơn trở về, anh nói anh rất hài lòng với chuyến đi. “Sẽ hối tiếc biết bao nếu như trong đời chưa một lần đặt chân đến đó”, anh nói. Nhà báo này đã từng đặt chân khắp thế giới, nhưng đây là lần đầu anh ra Lý Sơn. Nhiều người từ Sài Gòn về quê ngoài Bắc, nhưng đến Quảng Ngãi cũng tranh thủ ghé Lý Sơn vài hôm rồi mới tiếp tục cuộc hành trình dù đò giang cách trở. Nói điều đó để thấy rằng, sau bao năm “xây dựng thương hiệu”, Lý Sơn đã có chỗ trong lòng của nhiều người dân Việt.

 Bây giờ, “thương hiệu Lý Sơn” không chỉ có tỏi, có hành, không chỉ có những miệng núi lửa kỳ thú, những dấu tích cổ xưa nhuốm màu huyền thoại mà đó còn là địa chỉ của lòng yêu nước. Vì vậy, ra Lý Sơn với nhiều người bây giờ không chỉ là để thưởng lãm phong cảnh hữu tình nơi đây mà còn là để hâm lại bầu máu nóng trong trái tim mình khi đặt được chân lên nơi mà tiền nhân đã từng giong buồm mở cõi và xác lập chủ quyền.

Lý Sơn đã xác lập được thương hiệu của mình như vậy. Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra là làm gì để thương hiệu ấy luôn hấp dẫn du khách? Việc tăng thêm chuyến tàu ra đảo, mua sắm thêm phương tiện tốt và an toàn cũng như thái độ phục vụ hành khách ngày một tốt hơn, bấy nhiêu đó thôi chưa đủ. Sự có mặt của lưới điện quốc gia tại hòn đảo này cũng chưa đủ để mời gọi hoặc níu chân du khách. Vậy Lý Sơn cần gì? Cần tính chuyên nghiệp trên tất cả mọi lĩnh vực.

Lấy ví dụ như các nhà quản lý của Lý Sơn cũng nên quán triệt với đội quân xe ôm và quán xá là không nên “chặt chém” du khách. Những chi tiết tưởng như lặt vặt ấy nhưng sẽ tạo ấn tượng mạnh với những ai lần đầu đến đảo. Mình “ăn” nhau ở chỗ thật thà và chân tình. Đồng nghiệp Đỗ Doãn Hoàng có ấn tượng tốt với Lý Sơn là ở chỗ đó. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở tầm “vĩ mô” từ các nhà quản lý. Vẻ đẹp trời cho của Lý Sơn phải gắn với sự hài hòa, cân đối trong quy hoạch. Rồi thì từng người dân cũng phải tự ý thức về cách ứng xử và sinh hoạt của mình để “lấy lòng” khách thập phương như dân Cù Lao Chàm của Hội An vậy.

Tạo một thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu, càng khó. Hy vọng hòn đảo này sẽ mãi mãi hấp dẫn trong mắt du khách gần xa.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.