Người tiêu dùng hãy lên tiếng

03:03, 08/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giá xăng dầu lên xuống đang tác động mạnh mẽ vào đời sống hằng ngày. Và dường như người tiêu dùng đang dần đánh mất quyền lợi, quyền làm chủ, đánh mất vai trò thượng đế của mình khi tham gia vào các giao dịch, trao đổi, mua bán trong cuộc sống thường ngày để cho mọi thứ nhảy múa theo giá xăng dầu, đặc biệt là cước vận tải, vận chuyển hàng hóa.

Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế mỗi người và của xã hội. Phải chăng người tiêu dùng không quan tâm, thờ ơ không hiểu rõ về quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. Hay là sự vào cuộc chậm trễ có phần bất lực từ các cơ quan chức năng?

Mỗi một lần xăng dầu tăng giá ngay lập tức tất cả mọi mặt hàng và nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống người dân đều tăng lên. Nhỏ nhất từ mớ rau, con cá cho đến giá nước, điện, thuốc…đặc biệt là giá cước vận tải ô tô, đồ dùng gia dụng... ùn ùn tăng theo. Trăm ngàn lý do được đưa ra để biện minh nào cước vận chuyển tăng, giá xăng dầu cao hàng chưa về kịp... Đặc biệt tăng nhanh nhạy nhất và “hồn nhiên” nhất là giá cước vận tải. Giá cước tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn, từ cước taxi, xe khách, vận tải hàng hóa...

Tất cả đều được hợp thức bằng câu giá xăng tăng thì mọi chi phí phải tăng, ngành vận tải xăng dầu là nhiên liệu vì vậy tăng giá là điều dễ hiểu. Và khi cước vận tải lên song hành với giá xăng dầu thì tất cả các mặt hàng đồng loạt tăng giá theo, chung quy lại người tiêu dùng phải gánh chịu những đợt tăng giá “mặc định” và “hợp quy luật” này.

Từ tháng 7.2014 đến nay đã có rất nhiều lần giá xăng dầu giảm, tổng cộng giảm hơn 10 nghìn đồng/ lít. Theo đúng quy luật tự nhiên thì xăng dầu giảm các mặt hàng đặc biệt là cước vận tải sẽ giảm ngay. Nhưng thực tế diễn ra không đúng vậy hay đúng hơn phải gọi là trái quy luật, hàng hóa và giá cước vận tải vẫn giữ nguyên hoặc giảm rất ít và chậm. Trăm nghìn lý do lại được đưa ra để hợp thức hóa việc không giảm giá cước đó là giảm phải có lộ trình, thời gian và theo kế hoạch, không giảm để nâng cao đời sống nhân viên. Rõ ràng là một bất cập hiện ra trước mắt, xăng dầu giảm nhưng giá đứng yên.

Việc sống còn của doanh nghiệp vận tải, đời sống của nhân viên đâu chỉ phụ thuộc vào giá xăng lên hay giảm vài nghìn? Đến khi báo chí phản ánh mạnh mẽ thì mới có một vài đơn vị giảm. Các cơ quan chức năng thì vào cuộc chậm trễ, chưa sát sao, thậm chí mới đây Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu, việc giá cước vận tải chậm giảm hoặc có doanh nghiệp không giảm, điều này thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý và cơ quan chức năng liên quan và người tiêu dùng phải lên án.  

Rõ ràng một thực tế cho thấy hàng ngày, hàng giờ những biến động về giá cả đều tác động mạnh mẽ đến mỗi người, mỗi gia đình. Không thể có việc phi lý trong thế kỉ XXI, thế kỷ của văn minh này mà các doanh nghiệp, các hãng vận tải muốn tăng là tăng, muốn giảm là giảm mặc dư luận và mặc người tiêu dùng. Chúng ta có hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, có cơ quan quản lý giá, có thanh tra... có đầy đủ cơ quan chức năng để xử lý. Nhưng đã đến lúc người tiêu dùng phải lên tiếng để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Chỉ có vậy mới “thức tỉnh” được sự vô cảm, lay chuyển “sức ì ghê gớm” của các doanh nghiệp trong kinh doanh vận tải. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải có sự can thiệp, chấn chỉnh mạnh mẽ với loại hình kinh doanh vận tải để không tái diễn tình trạng vô lý này.

Tâm Phúc
 


.