Chất vấn và trả lời chất vấn: "Nóng" với các dự án chậm triển khai

05:12, 12/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 12.12, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XI đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đã có nhiều câu hỏi được các đại biểu đưa ra chất vấn, trong đó nổi lên nhất là những dự án chậm triển khai, triển khai không hiệu quả gây bức xúc trong cử tri.
 
 
Chủ tọa kỳ họp lưu ý một số vấn đề trong phiên chất vấn.
Chủ tọa kỳ họp yêu cầu các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Mở đầu phiên chất vấn, ông Đoàn Dụng- Đại biểu huyện Bình Sơn đề nghị UBND tỉnh cho biết, trong 23 dự án chậm tiến độ tại Khu kinh tế Dung Quất có bao nhiêu dự án đã được gia hạn tiến độ? Vì sao được gia hạn? So với tiến độ đã được gia hạn thì hiện nay chậm bao nhiêu tháng? Nguyên nhân và trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào? Thời gian nào giải quyết dứt điểm 23 dự án chậm đầu tư này?
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng BQL KKT Dung Quất Phạm Như Sô
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng BQL KKT Dung Quất Phạm Như Sô
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất cho rằng, hiện tại KKT Dung Quất có 7 Dự án chậm tiến độ được gia hạn. Nguyên nhân là do có 5 dự án, nhà đầu tư quyết tâm đầu tư nhưng gặp khó khăn về tài chính nên cần thời gian tập trung tìm kiếm và thu xếp tài chính để tái khởi động, 1 dự án cần tìm nhà đầu tư mới để chuyển nhượng và 1 dự án vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. So với tiến độ đã được gia hạn, có 2 dự án chậm 6 tháng, 1 dự án chậm 12 tháng, 1 dự án chậm 18 tháng, 1 dự án chậm 20 tháng. 
 

So với tiến độ cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, có 5 dự án chậm khoảng 6 năm, 2 dự án chậm 4 năm. Nguyên nhân và trách nhiệm trước hết, thuộc về Ban quản lý KKT Dung Quất chưa thực sự quyết liệt, còn trông chờ vào khả năng thu xếp tài chính của nhà đầu tư cũng như sự chuyển biến khả quan của thị trường. Cùng với đó là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan trong giải quyết cơ chế về đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết các thủ tục khác có liên quan chưa được thường xuyên, đồng bộ. 

Đại biểu Đoàn Dụng.
Đại biểu Đoàn Dụng.

Đại biểu Đoàn Dụng tiếp tục chất vấn: Cử tri băn khoăn liệu có hay không các doanh nghiệp tìm đến KKT Dung Quất xin đất rồi chờ thời cơ chuyển nhượng để hưởng phần chênh lệch chứ không triển khai đầu tư? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiêm Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất Phạm Như Sô cho rằng, đại bộ phận các nhà đầu tư đến với KKT Dung Quất đều có thiện chí, mục tiêu chiến lược đầu tư. 

Đây là một trong 5 Khu kinh tế trong cả nước được Trung ương xếp hạng về đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, là trung tâm lọc hóa dầu quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp các nhà đầu tư tìm đến để chờ đợi thời cơ, tìm cách chuyển nhượng dự án. Điển hình như Dự án thép Quảng Liên. Trước đây, dự án này là của Tập đoàn Tycoon  - E.United (Đài Loan). Sau đó, chuyển cho Công ty Quảng Liên rồi đến Tập đoàn JFE. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết dứt điểm đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư khá lâu, chiếm diện tích đất lớn nhưng chưa triển khai đầu tư. 
 
Liên quan đến dự án Đập dâng sông Trà Khúc,  đại biểu Đào Kim Kinh, thành phố Quảng Ngãi chất vấn, Dự án Đập dâng sông Trà Khúc được tỉnh xác định là công trình trọng điểm qua các năm từ 2009 - 2011 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, đồng thời không có báo cáo cho HĐND tỉnh biết nguyên nhân dừng dự án? Dự án này đã được giải ngân hơn 9,4 tỷ đồng cho việc chuẩn bị đầu tư. Nếu không thực hiện dự án sẽ xử lý như thế nào? Hậu quả của việc dừng dự án, nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai?
 
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh.
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh.
Trà lời vấn đề này, ông Dương Văn Tô –Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đây là dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, vì vậy nguyên nhân của việc dừng dự án là do dự án có tổng mức đầu tư lớn, tương đối phức tạp về mặt kỹ thuật cần được nghiên cứu kỹ nên UBND tỉnh chưa quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung và chưa bố trí vốn.
 
Trường hợp chưa thể tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng dự án Đập dâng sông Trà Khúc, Sở sẽ đề nghị UBND tỉnh cho phép kết thúc dự án, thanh lý các hợp đồng đã được ký kết giữa chủ đầu tư với các đơn vị tư vấn, quyết toán công tác chuẩn bị xây dựng. Về hậu quả của việc dừng Dự án là đã bỏ ra một số tiền tương đối lớn cho việc chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng nhưng dự án chưa được tiếp tục đầu tư, trong khi ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn. "Với vai trò tham mưu, chúng tôi không thể quyết định là có dừng dự án này hay không. Nhưng, với tư cách của ngành chúng tôi cũng nói rất rõ rằng, nếu không tiếp tục đầu tư nữa thì cho phép kết thúc dự án này ở đó, chờ cơ hội đầu tư sau và cho phép chúng tôi quyết toán tất cả các nguồn kinh phí kia"- Ông Dương Văn Tô nói.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ trả lời một số vấn đề đại biểu đặt câu hỏi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ trả lời một số vấn đề đại biểu đặt câu hỏi
 
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho rằng, sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XI, UBND tỉnh sẽ có Tờ trình xin Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho dừng Dự án Đập dâng sông Trà Khúc để nghiên cứu lập Dự án nạo vét, chỉnh trị và đầu tư hạ tầng hai bên bờ sông. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho tỉnh nghiên cứu khai thác nguồn cát hiện nay bồi lắng dưới sông và nguồn thứ hai là từ Quỹ đất hai bên bờ sông để tạo ra vốn. Vấn đề thứ hai là xử lý về mặt kỹ thuật phải thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm giúp tỉnh. Khi nào giải quyết tốt kỹ thuật thì sẽ triển khai dự án. 
 
Cũng trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã chất vấn về những lợi ích và hệ lụy khi nạo vét, thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu ở các cửa biển trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Hà Thị Anh Thư, chất vấn: Hiện nay, việc nạo vét, thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chưa được quản lý chặt chẽ. Vì sao có doanh nghiệp chưa đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công vẫn được triển khai thi công? Các doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế, tiến độ, thường khai thác cát quá mức cho phép?
Đại biểu Hà Thị Anh Thư chất vấn và đưa hình ảnh minh chứng những khối bê tông tại cửa biển bị xê dịch do doanh nghiệp khai thác cát quá khối lượng thiết kế.
Đại biểu Hà Thị Anh Thư chất vấn và đưa hình ảnh minh chứng những khối bê tông tại cửa biển bị xê dịch do doanh nghiệp khai thác cát quá khối lượng thiết kế.

Trả lời vấn đề này, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho rằng, mục tiêu của dự án là: Nạo vét thông luồng, thoát lũ trong sông, duy trì tuyến luồng ra vào các Cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão. Đối với dự án Dự án Nạo vét, thông luồng tại cửa Mỹ Á và Sa Huỳnh trong quá trình triển khai thi công, do thiết kế kế bản vẽ thi công khu vực phía ngoài biển bị chồng lấn với dự án Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á giai đoạn II đã được phê duyệt, nên phải điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công cho phù hợp. 

Trong quá trình khai thác, cũng có một vài điểm doanh nghiệp đã khai thác hơn sâu hơn với thiết kế. Về nguyên nhân để xảy ra tình trạng một số ụ bê tông ở cửa biển Sa Huỳnh bị xê dịch, doanh nghiệp cũng đã khắc phục bằng cách chèn hàng ngàn bao cát và bê tông nên tình trạng này đã cơ bản được khắc phục.
 
Liên quan đến dự án Quy hoạch Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi tại phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi đã được quy hoạch 18 năm nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng- Thành phố Quảng Ngãi chất vấn: Vì sao dự án này chậm xây dựng, đồng thời xác định có xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh tại địa điểm này nữa hay không? Nếu có thì thời gian nào triển khai? Biện pháp trước mắt và lâu dài để ổn định cuộc sống nhân dân trong vùng quy hoạch này? 
 
Ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở KH-ĐT
Ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở KH-ĐT
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh cho biết, ngày 24.11.1997, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3678/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dân cư bãi bồi Nam sông Trà Khúc với mục tiêu xây dựng phát triển khu dân cư. Đến năm 2008, UBND tỉnh điều chỉnh lấy một phần trong quy hoạch này sang quy hoạch Khu trung tâm hành chính tỉnh. 
 
Việc chính quyền công bố quy hoạch và có quyết định thu hồi đất nhưng trong một thời gian dài không thực hiện quy hoạch đã làm hạn chế các quyền về đất đai, gây nhiều khó khăn cho nhân dân trong vùng dự án. Đây là thiếu sót của UBND tỉnh.   
 
Trong thời gian đến, UBND tỉnh sẽ tập trung quy hoạch và xây dựng Khu đô thị mới để phục vụ tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng trong vùng dự án Khu trung tâm hành chính tỉnh. Thời gian thực hiện ngay trong năm 2015 và năm 2016, quy mô tái định cư khoảng 300 hộ dân, vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.
 
Sau khi xây dựng khu đô thị mới xong, UBND tỉnh sẽ tổ chức việc bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất tái định cư cho các hộ dân để xây nhà và ổn định đời sống. Đồng thời, sẽ chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Khu trung tâm hành chính tỉnh và huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện khi hội đủ các điều kiện. 
 
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng chất vấn thêm: Dự  án Khu quy hoạch hành chính dự kiến nguồn vốn đầu tư ở đâu, tại sao quỹ đất một số nơi còn sao không triển khai mà nhất thiết phải đầu tư tại đây để kéo dài hàng chục năm. Đại biểu Bùi Thị Lệ Thủy, thành phố Quảng Ngãi đặt câu hỏi: Theo quy định 3 năm không triển khai thì phải quy hoạch lại, đằng này dự án 18 năm rồi không triển khai liệu có đúng quy định không và ai chịu trách nhiệm và liệu một vài năm nữa dự án này có triển khai được không?
 
Giải trình về quà trình của dự án này, ông Nguyễn Mậu Văn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi c ho biết, năm 1996, Chính phủ giao đất cho Ban quản lý dự án đê bao, trong đó có 2 công trình là tuyến đê bao và công trình cơ sở hạ tầng khu đê bao, tổng diện tích 45,5 ha. Quý 1.2006 thì 2 công trình đê bao và khu dân cư đã hoàn thành. Riêng khu dân cư 16,5 ha, ban đầu định xây dựng khu dân cư, nhưng do họp dân nhiều lần mà dân không đồng ý với phương án đưa ra nên dừng lại... Sau đó, năm 2006, khu này được UBND tỉnh quyết định quy hoạch xây khu hành chính và giao cho Sở xây dựng làm chủ đầu tư. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng, Chúng ta chưa làm hết trách nhiệm từ khi có dự án xây dựng khu dân cư đến khi chuyển sang khu hành chính. Trách nhiệm đây thuộc về nhà nước có lỗi với dân vì để kéo dài. Song trách nhiệm trước hết là Ban quản lý đê bao. Trách nhiệm thứ 2 là Sở Xây dựng. Đây là hai đơn vị không làm hết trách nhiệm, không tham mưu đề xuất các phương án cho UBND tỉnh. 
 
Liên quan đến dự các Khu đô thị, đại biểu Tôn Long Hiếu đặt câu hỏi, đến nay mới chỉ có 3 đô thị là Vạn Tường, Châu Ổ và Di Lăng ban hành quy chế, các đô thị còn lại chưa thực hiện, đặc biệt thành phố Quảng Ngãi là đô thị lớn nhất tỉnh hiện vẫn chưa ban hành. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân chưa thực hiện? trách nhiệm thuộc về ai và khi nào thì thực hiện?
 
Trà lời vấn đề này trên, ông Nguyễn Đức Hiệp, Quyền Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo quy định việc tổ chức lập quy chế cho các đô thị trên địa bàn tỉnh đều thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện, thành phố; riêng đối với thành phố Quảng Ngãi thì UBND thành phố tổ chức lập quy chế và trình cho UBND tỉnh phê duyệt.
 
Thời gian qua, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đều chưa được lập, phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Riêng đối với việc lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị cho thành phố Quảng Ngãi mở rộng, đến thời điểm hiện tại, UBND thành phố đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và UBND thành phố đang hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong tháng 12 năm 2014.
 
Liên quan đến việc thực hiện hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Phạm Viết Nho, huyện Ba Tơ chất vấn vì sao đến nay việc xây dựng nhà 167 không đạt. Trả lời câu hỏi này, Nguyễn Đức Hiệp cho biết, thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng là 15.717 nhà/19.020 nhà, đạt 82,63% kế hoạch (trong đó: số nhà được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1037/QĐ-UBND là 12.503 nhà; số nhà được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1030/QĐ-UBND là 3.214 nhà); số nhà chưa xây dựng là 3.303 nhà, chiếm 17,37% kế hoạch.
 
Trong thời gian đến, đối với 3.214 hộ đã xây dựng nhà hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn, Sở Xây dựng sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn kinh phí huy động từ Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động từ các doanh nghiệp để hỗ trợ cho các hộ dân; đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho phép Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục cho vay làm nhà đối với các hộ (đã làm nhà) đã nhận được tiền hỗ trợ từ nguồn vốn Ngân sách nhưng chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Đối với 3.303 hộ chưa triển khai xây dựng nhà, ngày 25.11.2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 441/TB-VPCP theo đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Khi đó UBND tỉnh sẽ kiến nghị đưa bổ sung số hộ này vào giai đoạn 2.
 
Bài, ảnh: M.Toàn 

.