Ngày này, 60 năm trước

02:11, 02/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày này, 60 năm trước, những chiếc tàu Ba Lan, Liên Xô cập các cảng miền Trung, miền Nam đã chở hàng triệu người miền Trung và miền Nam tập kết ra Bắc. Với người Quảng Ngãi tập kết, họ không sao quên được bãi biển Quy Nhơn-nơi nhìn thẳng ra Cù lao Xanh-đó là bãi biển xuất phát những con thuyền chở những người tập kết ra tàu Ba Lan Kilinski hai vạn tấn đậu ngoài xa, cách bờ hơn 3km. Ngày đó, tôi là một thằng bé 8 tuổi theo mẹ đi tập kết (do bố được phân công ở lại hoạt động).

Đó là chuyến đi xa nhất của tôi, khi từ quê Mộ Đức-Quảng Ngãi được đi bằng xe goòng và cam-nhông-ray vào Quy Nhơn. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy rừng dừa Tam Quan và nhất là thấy biển. Biển Quy Nhơn. Cũng là lần đầu thấy một chiếc máy bay hạ cánh ở sân bay Quy Nhơn-máy bay của Ủy ban quốc tế Liên hiệp đình chiến.

So với những đứa trẻ cùng tuổi bây giờ, phải nói hồi ấy tôi chẳng biết gì mấy. Cái gì cũng lạ, cái gì cũng mới, và cái gì cũng gây ngạc nhiên.

Càng Hới đón đồng bào miền Nam ra tập kết năm 1954 (Ảnh tư liệu)
Càng Hới đón đồng bào miền Nam ra tập kết năm 1954 (Ảnh tư liệu)


Tôi đâu biết, đó là cuộc di dân từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam lớn nhất Việt Nam ở thời hiện đại. Bây giờ, hồi tưởng, mới thấy xúc động và càng biết ơn tình cảm và sự chăm sóc của đồng bào miền Bắc đối với những người miền Nam tập kết, nhất là với những đứa trẻ con. Có đủ lứa tuổi trẻ con trong đoàn người tập kết. Và không đứa trẻ nào “bị lãng quên”, không đứa trẻ nào không được đồng bào miền Bắc chăm sóc như chăm con cháu mình.

Con tàu Ba Lan chở chúng tôi cập bến Cửa Hội (Diễn Châu-Nghệ An) vào đêm tối. Vậy mà khi bước theo cầu tàu lên bờ, hàng vạn ngọn đèn, ngọn đuốc đã bừng sáng trên tay bà con Nghệ An ra bến đón chúng tôi. Đầy những yêu thương, thân mến. Tình cảm ấy có lẽ người lớn cảm nhận rõ hơn, nhưng những đứa trẻ chúng tôi không phải là không biết. Nó khiến chúng tôi cảm thấy an lòng, dù chưa rõ mình đang ở một vùng “đất lạ” nào.

Có một điều, bây giờ cần phải biết, là ngay thời điểm ấy, đồng bào Nghệ An, đồng bào Diễn Châu, đồng bào xã Diễn Tiến-nơi chúng tôi tập kết-có đời sống vô cùng khó khăn. Đã thế, đây còn là vùng công giáo toàn tòng, nơi những cuộc di cư vào Nam cũng đang diễn ra.

Đất nước chúng ta đã phải trải qua những hồi gian truân như thế. Bây giờ, khi những người quê miền Bắc, miền Trung, miền Nam hòa hợp, thống nhất, thì đừng quên, cách đây 60 năm, đã từng có một cuộc di dân vĩ đại để mở ra sự hòa hợp đó. Dù cuộc chiến tranh đã chia cắt hai miền Nam-Bắc suốt 21 năm. Nhiều thế hệ những người miền Trung, miền Nam đã trưởng thành trên đất Bắc, đã góp phần xứng đáng xây dựng, bảo vệ miền Bắc, và trực tiếp trở về tham gia kháng chiến giải phóng quê hương miền Nam.
60 năm đã qua… 

 
  Thanh Thảo
 


.