Ai làm sách giáo khoa?

01:11, 14/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyện làm sách giáo khoa (SGK) vẫn là chuyện nóng ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Dù Bộ trưởng GD&ĐT đã tỏ ra thành tâm khi giải bày về chuyện làm sách, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn có những ý kiến khác. Qua cách phát biểu của đại biểu Quốc hội, thì có thể hiểu điều khiến họ nói khác trong chuyện làm SGK với Bộ GD&ĐT lại là câu chuyện…niềm tin. Người ta vẫn chưa tin Bộ GD-ĐT đưa ra được một giải pháp hợp lý, công bằng trong việc làm SGK.

Câu hỏi “Ai làm SGK?” một lần nữa được đặt ra. Bộ trưởng giải trình là Bộ sẽ chủ động xây dựng một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các lực lượng xã hội biên soạn bộ sách khác. Nhưng “các lực lượng xã hội” đó là những ai? Bộ trưởng Luận giãi bày: “Nói thật, vừa rồi có nhiều người nói rất là to, bây giờ cũng đang nói rất là to, nhưng mấy lần viết sách vừa rồi đều không dùng được”.  

Như thế, niềm tin đã không đến từ cả hai phía. Phía “các lực lượng xã hội” không tin Bộ GD&ĐT sẽ có một giải pháp viết SGK công bằng giữa hội đồng biên soạn của Bộ và các nhóm “xã hội” viết sách khác. Ngược lại, phía Bộ cũng không tin một số người đại diện một số nhóm viết sách có thể viết được những bộ SGK đạt chất lượng và đạt yêu cầu. Nếu cứ như thế thì không biết đến bao giờ mới có sự thống nhất về những ai sẽ viết SGK. Phải xong khâu “nhóm viết, người viết” rồi mới có thể bàn về nội dung SGK sẽ viết. Còn khi đã có nhiều bộ SGK rồi, thì khâu lựa chọn, phân phối SGK đến từng trường như thế nào cũng là cả một vấn đề…đau đầu.

Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra SGK, ông Đào Trọng Thi nói: “Từng trường sẽ chọn. Giáo viên và cha mẹ học sinh sẽ chọn SGK tốt nhất cho con em mình”. Nhưng đó là nói kiểu…lý thuyết. Trong thực tế, chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng như nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng khi đã có nhiều lựa chọn SGK như thế, thì coi chừng “nhà sách”(nhà xuất bản) tác động vào nhà trường rồi nhà trường chọn SGK để…hưởng phần trăm. Theo kiểu các vông ty dược tác động trực tiếp vào các bệnh viện thông qua các trình dược viên để bán thuốc, cho bệnh viện hưởng hoa hồng.

Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra trên diện rộng, chứ không còn là chuyện lý thuyết. Mà như thế, thì coi như đề án viết SGK theo kiểu mới cũng… phá sản luôn. Chưa kể, nó sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Xem ra, phải tìm hiểu xem ở các nền giáo dục tiên tiến, ở các nước phát triển người ta tổ chức viết và phân phối SGK trong nhà trường như thế nào, từ đó mới định được cho Việt Nam một đường hướng tốt nhất, trong sáng nhất trong việc này. Đó không hề là việc dễ dàng.  
              

Thanh Thảo
 


.