Tiền trả nợ công đã vượt ngưỡng an toàn

02:10, 20/10/2014
.

Sáng 20-10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nợ công đang tăng nhanh, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách là khoảng 12,4%, nếu tính cả vay để trả nợ và đảo nợ vay là 26,2%.

Theo Thủ tướng, trong năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế xã hội trong nước tiếp tục có diễn biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, dự kiến cả năm tăng dưới 5%, thấp nhất trong 10 năm qua; tăng trưởng tín dụng dự kiến cả năm tăng 12-14% theo kế hoạch; dự trữ ngoại tệ tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 11,6%; cán cân thanh toán quốc tế tổng thể tiếp tục thặng dư; ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán, bội chi ngân sách 5,3%; nợ công, nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn cho phép; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm bằng 30,1% GDP…
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Tuổi trẻ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Tuổi trẻ


Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nợ công đang tăng nhanh, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách là khoảng 12,4%, nếu tính cả vay để trả nợ và đảo nợ vay là 26,2%, cao hơn mức 25% cho phép; nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm, việc huy động các nguồn lực cho phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thị trường bất động sản phục hồi chậm, thị trường chứng khoán chưa vững chắc…

Thủ tướng cho biết, trong 14 chỉ tiêu được Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện đạt và vượt 13 chỉ tiêu, còn 1 chỉ tiêu không đạt.

Về các đột phá chiến lược, thời gian qua, Chính phủ tập trung ban hành, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo, thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực cho các vùng sâu, vùng xa… Tuy nhiên, chưa có chính sách hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đạt chỉ tiêu đề ra; nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng còn hạn chế, dịch vụ logistic phát triển chậm, tính đồng bộ chưa cao, nhiều công trình giao thông xuống cấp trầm trọng, nhiều công trình quá tải, chất lượng thấp…

Về văn hóa xã hội, trật tự an toàn xã hội, quan hệ đối ngoại, Thủ tướng cho biết, Chính phủ thực hiện ưu đãi thường xuyên cho hơn 1,5 triệu người; thực hiện hỗ trợ phù hợp cho người lao động và các doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển nước ta; số vụ tai nạn giao thông, số người bị thương tiếp tục giảm; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả… Tuy nhiên, nguồn lực đảm bảo an sinh, trợ giúp xã hội còn hạn hẹp; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội nhiều nơi còn phức tạp; việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư kinh doanh và tham gia vào khoa học kỹ thuật còn hạn chế…

Về các mục tiêu thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục phát triển văn hóa xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, đảm bảo nợ công theo kế hoạch; nỗ lực đàm phán mở thêm thị trường mới, đa dạng hóa và không để phụ thuộc vào một thị trường; tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.


Vân An/Hà Nội mới


.