Quốc hội thảo luận về tình hình KT-XH

12:10, 21/10/2014
.

Sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình KT-XH, ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời cũng đề xuất những giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập cơ chế, chính sách hiện nay.

Nhiều đại biểu đều ghi nhận tình hình KT-XH có những chuyển biến tích cực với GDP cả năm dự kiến đạt 5,8%; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Đây là những tiền đề quan trọng cho năm bản lề 2015, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

 

Quốc hội thảo luận về tình hình KT-XH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại phiên họp tổ, sáng 21/10. Ảnh: VGP/Lê Sơn


Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị Bộ Y tế nên kiểm tra lại đánh giá tình hình “quá tải bệnh viện tuyến trên đã cơ bản được giải quyết”, bởi không lẽ mới có từ năm ngoái đến nay mà giải quyết được nhanh thế.

Về chính sách an sinh xã hội, đại biểu Minh cho rằng, dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nên xem xét tăng trợ cấp cho các gia đình chính sách như tiền tuất cho bố mẹ liệt sỹ, gia đình thương binh và người có công với cách mạng. Bởi đa số là những gia đình khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH hơn 9 tháng qua và dự báo những tháng còn lại của năm 2014 là khả quan. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá sát hơn trong một số lĩnh vực như tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm có đạt được 5% để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra hay không.

Mặt khác, nếu ép để tăng trưởng tín dụng đạt 5% trong 3 tháng còn lại thì liệu nền kinh tế có hấp thụ được không? Do đó, giải pháp căn cơ cho vấn đề này cần được tính toán kỹ lưỡng, không duy ý chí hay nóng vội.

Đại biểu Lê Phước Thanh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) bày tỏ lo lắng khi việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn do còn vướng cơ chế vì liên quan đến nợ xấu cũng như sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Đại biểu Thanh cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng quý IV năm 2014 khó mà đạt chỉ tiêu cho cả năm bởi thực tế từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng không đạt và bấp bênh.

Các đại biểu Trần Quốc Tuấn, Lê Phước Thanh cho rằng, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn thấp, chưa đạt yêu cầu chủ yếu là do “vướng chính sách”. Thực tế này đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam với việc kêu gọi đầu tư và cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư còn bất cập.

Vì thế, các đại biểu đề nghị cần sớm đề ra giải pháp để mời gọi đầu tư khi Việt Nam gia nhập một số tổ chức kinh tế quốc tế lớn vào những năm tới và thực hiện quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế để đón thời cơ, thuận lợi thời gian tới.

Đại biểu Võ Kim Cự (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, cho rằng Chính phủ và các Bộ, ngành đã điều hành năng động, sáng tạo với sự chỉ đạo sát sao để chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, từ quá trình điều hành ở địa phương, đại biểu Võ Kim Cự đề nghị Trung ương tập trung xử lý rốt ráo những vấn đề đã tồn đọng quá lâu như chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người dân vùng lũ lụt, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, đại biểu Võ Kim Cự cho rằng, cần tập trung đầu tư nguồn lực vào một số nhóm chính sách như “tam nông” bởi đây là mặt trận an toàn cho đa số người dân, chỗ dựa quan trọng của nền kinh tế; tập trung chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng là gián tiếp hỗ trợ nông dân; hỗ trợ công nghiệp phụ trợ để giải quyết hàng triệu lao động nông dân và khuyến khích chế biến sâu các loại như nông hải sản.

Về phân công và phân cấp, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có Đề án về liên kết vùng. Ngay tại Hà Tĩnh đã có liên kết cấp xã, huyện để hạn chế những lợi thế trùng lắp, tranh thủ cơ sở hạ tầng của nhau, tránh manh mún trong đầu tư và xây dựng cơ bản, từ đó mới phát huy được lợi thế so sánh trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân trực tiếp sản xuất ra của cải xã hội.



Theo Lê Sơn/ Chinhphu.vn


.