Sau ngày đặc xá

04:08, 25/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, cứ đến dịp lễ, tết, hàng vạn phạm nhân sẽ được đặc xá- một nghĩa cử nhân đạo mà Nhà nước dành cho những người tù cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án. Trừ án tử hình, người phạm tội không có cơ hội để làm lại cuộc đời, còn tất cả các phạm nhân khác, kể cả những phạm nhân lãnh án chung thân cũng có quyền hy vọng đến ngày mình sẽ được ra khỏi trại giam nếu biết hối cải, sửa chữa lỗi lầm.

Dịp Quốc khánh 2.9 năm nay, nhiều phạm nhân cũng sẽ được ra tù trước thời hạn.Được chứng kiến những phạm nhân nơi Trại giam Quảng Ngãi cầm giấy “chấp hành xong án phạt tù”, cởi bỏ bộ đồ tù đã từng đeo bám họ suốt bao năm, mặc bộ đồ của “người tự do”, nhìn ánh mắt hoan hỉ của họ mới thấm thía câu nói của người xưa “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, một ngày ở tù bằng ngàn ngày ngoài xã hội. Đối với người tù, hai tiếng “tự do” luôn là một khát vọng cháy bỏng trong suốt những năm tháng chấp hành án phạt.

Có rất nhiều lý do khác nhau để một người bình thường phải vào tù. Người sơ ý phạm tội nhưng cũng có kẻ, biết sẽ vào tù nhưng vẫn cứ phạm tội. Tuy nhiên, khi đã thấm thía nơi ngục thất, dù là vô tình hay cố ý phạm tội, tất cả đều khao khát có ngày được tự do. Vì vậy, các tù nhân đã làm tất cả những gì có thể trong quá trình cải tạo để được ra tù trước thời hạn. Vì vậy mới có chính sách đặc xá cho những ai chấp hành tốt trong thời gian thụ án.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người tù được đặc xá, sau ngày ra tù đều trở thành những công dân bình thường. Nhiều người trong số họ, chưa làm người tự do bao lâu, lại tái phạm để phải tiếp tục ngồi tù lần nữa. Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, cả nước hiện có 140 ngàn người đã tái phạm sau khi được đặc xá hoặc chấp hành xong bản án. Đây quả là điều rất đáng để suy nghĩ. Một câu hỏi được đặt ra là, vì sao những phạm nhân vừa mới đặc xá đã tái phạm để phải vào tù? Câu chuyện ăn năn hối cải, chấp hành tốt trong những ngày thụ án liệu có phản ánh đúng bản chất của câu chuyện “đặc xá” không?

Điều khẳng định chắc chắn là, việc đặc xá cho phạm nhân ra tù trước thời hạn đã được các trại giam tiến hành rất công khai và tỉ mỉ. Không phải muốn cho tù nhân nào ra trại sớm cũng được mà phải theo một quy trình rất chặt chẽ, có bình xét từ cán bộ quản giáo cho đến chính những bạn tù với nhau. Thế nhưng, việc tái phạm vẫn cứ xảy ra. Mà tỷ lệ tái phạm lại rất cao, khiến các nhà quản lý phải tìm lời giải.

Ai cũng biết, dù được ra tù trước thời hạn, dù rất khát khao tự do nhưng bước chân ngày về để hòa nhập cộng đồng của mỗi phạm nhân không hề thanh thản và nhẹ nhõm, trái lại là rất nặng nề. Chỉ cần một ánh nhìn kỳ thị của xóm làng là cũng đủ để sự mặc cảm của người được đặc xá ấy thức dậy. Một khi sự mặc cảm quá khứ ấy không rũ bỏ được thì chuyện tái phạm chỉ là tơ tóc. Thứ hai là tìm kiếm việc làm ổn định cho họ cũng chưa được thực hiện một cách triệt để. Không có việc làm thì sinh ra trộm cắp và phạm pháp. Những phạm nhân từng là con nghiện khi trở về mà không có việc làm thì chuyện tái phạm càng nhanh.

Giải quyết tất cả các nguyên nhân ấy thì “sau ngày đặc xá” đối với người tù mới thực sự có ý nghĩa.     
    
TRẦN ĐĂNG
 

.