Ai "hà hơi" cho học sinh đỗ đại học?

03:08, 12/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, hầu như các trường đại học và cao đẳng trong cả nước đã công bố điểm của những thi sinh thi vào trường mình. Xem chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của mỗi trường được đưa lên các phương tiện truyền thông, các em có thể biết được số phận đậu hay rớt của mình trong kỳ thi này. Vì vậy, chuyện vác túi lên đường nhập học với những em thi đỗ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh có con em chuẩn bị lên đường nhập học đang bận rộn với đủ thứ mối lo mà lo nhất vẫn là xoay đâu ra một lúc 5-7 triệu đồng để cho con nhập học đây? Với cán bộ nhà nước chỉ ăn “lương chay”, từng ấy tiền đã khó, nói gì con em nông dân! Vì vậy, giải bài toán từng ấy tiền một lúc cho con nhập học quả là điều không hề đơn giản. Mà đâu phải nộp một lần ấy là xong cho cả thời gian học đại học, các em phải học 4-5 năm mới xong đại học kia mà. Vậy thì ai sẽ là người lấp cái khoảng trống lo âu kia? Nhà nước thì chẳng thể lo cho các em được rồi. Nhưng các bậc phụ huynh thì cũng không nỡ xếp giấy gọi nhập học của con vào ngăn tủ rồi thở dài.

 Mấy năm qua, nhiều tổ chức xã hội và cá nhân cũng đã xắn tay áo vào để gỡ bài toán khó giải ấy. Chẳng hạn như Đài PT-TH Quảng Ngãi mở hẳn một chuyên mục phát sóng các trường hợp khó khăn để kêu gọi sự ủng hộ của cả xã hội nhằm “cứu” các em. Công ty Thiên Tân là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh làm khá bài bản việc “ủng hộ” này bằng một quỹ riêng của họ.

Các Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên họ có hẳn một chương trình “Tiếp sức mùa thi” và “Học bổng Nguyễn Thái Bình”. Rồi Hội khuyến học cũng đã có những việc làm rất thiết thực để giúp các em. Hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước khi nhập học đã được “hà hơi” như thế. Tuy nhiên, như đã nói, tất cả các động thái đó cũng chỉ dừng lại ở mức gỡ khó tạm thời chứ không giải quyết tính căn cơ của câu chuyện.

Trong các cuộc đàm đạo với nhiều doanh nghiệp và các cá nhân khá giả về kinh tế, họ nói rằng xã hội đang thiếu một “đầu mối” để họ có thể tin tưởng và gửi gắm tâm huyết của mình cho chuyện học tập của các em. Dẫn chứng về mối e ngại ấy, họ bảo rằng tại sao có một cá nhân thôi nhưng đã có thể vận động hàng tỷ đồng cho một quỹ mổ tim mà vẫn thành công ngoài mong đợi.

Vậy thì điều lo ngại ấy nằm ở cách tổ chức và vị thế uy tín của người đứng ra lập quỹ. Các nhà mạnh thường quân không đắn đo gì trong việc bỏ tiền ra làm điều có ý nghĩa như việc giúp các em nhà nghèo có điều kiện theo học đại học. Song lâu nay, cách tổ chức của chúng ta mang nặng tính hình thức nên khó lòng thu hút sự hào hiệp của các cá nhân. Người ta có thể bỏ ra hàng tỷ đồng để cứu trợ vùng lũ lụt vì đồng tiền ấy đã được các nhà báo trao tận tay cho người bị nạn nhưng cũng người ấy, họ sẽ không bỏ ra một đồng cho các em học sinh khó khăn vì họ chưa đủ niềm tin đồng tiền ấy sẽ đến tận tay người cần nhận. Mấu chốt của câu chuyện “hà hơi” là ở chỗ đó.           
            

TRẦN ĐĂNG


 


.